Thách thức nhân rộng mô hình kinh doanh bền vững

12:41' - 10/10/2017
BNEWS Với chủ đề "Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững", diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017 do VCCI tổ chức đã chính thức khai mạc
 
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Với chủ đề "Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững", diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Anh, Liên Hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội vào sáng 10/10. 

Khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, là một trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SCGs), Việt Nam đã khẳng định tầm nhìn và quyết tâm theo đuổi con đường phát triển xanh cùng nhân loại.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia phát triển bền vững, thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Đây là nơi quy tụ hàng trăm doanh nghiệp tiên phong làm hạt nhân cho các mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

Qua thực tế, trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp là các tập đoàn đa quốc gia đã sát cánh với các doanh nghiệp Việt Nam trong các chương trình phát triển bền vững. Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin, tư vấn, kết nối... được triển khai khá đồng bộ và tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Diễn đàn Phát triển bền vững năm nay, với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh hướng tới phát triển bền vững” nhằm chia sẻ những mô hình tốt, những kinh nghiệm hay trong cộng đồng doanh nghiệp.

Các mô hình có thể kể đến như: Mô hình kinh doanh cùng người thu nhập “thấp”; mô hình nền kinh tế tuần hoàn; mô hình xây dựng chuỗi giá trị bền vững; mô hình thực hiện minh bạch, liêm chính trong kinh doanh, lập báo cáo phát triển bền vững; áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững CSI (do VCCI xây dựng)...

Ở Việt Nam, doanh nghiệp xã hội đã trở thành chủ thể kinh tế được pháp luật ghi nhận và khuyến khích. Nhiều doanh nhân Việt đã chọn con đường làm doanh nghiệp xã hội để đóng góp cho phát triển cộng đồng.

Theo Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn” do Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững phát hành, đến năm 2030, những cơ hội kinh doanh bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu toàn cầu trong 4 lĩnh vực được khảo sát có thể tạo ra một thị trường kinh doanh trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD. Đồng thời, đem lại thêm 380 triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu; trong đó, có gần 90% là ở các nước đang phát triển.

Báo cáo cũng khẳng định, châu Á sẽ là khu vực có nhiều cơ hội kinh doanh nhất mà phát triển bền vững có thể mang lại so với các khu vực khác trên thế giới. Đây sẽ là động lực phát triển tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng theo con đường phát triển bền vững và nhân văn hơn.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhận định: "Cộng đồng doanh nghiệp cần được coi là phần quan trọng của nền kinh tế chứ không chỉ là kênh huy động vốn. Chúng ta cần đẩy mạnh nguồn tài chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đưa ra những giải pháp hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Với những tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội, khu vực kinh tế tư nhân cần có kế hoạch và hành động chung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp."

Đánh giá về những thách thức như biến đổi khí hậu, sự biến động thị trường... đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và đáp ứng những biến đổi về thị trường là nhu cầu tất yếu mà Việt Nam cần làm.

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm cho cả giai đoạn tới, do đó, vấn đề lồng ghép, cơ cấu lại nông nghiệp và liên tục rà soát... phải được triển khai ngay từ bây giờ và cho đến những giai đoạn tiếp theo.

Phát triển nông nghiệp bền vững phải đạt 3 mục tiêu là nâng cao chuỗi giá trị, tạo khả năng cạnh tranh, tạo môi trường để các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp và đạt thương hiệu quốc gia; cải thiện chất lượng đời sống người dân và thực hiện thành công mục tiêu xoá đói giảm nghèo; sản xuất nông nghiệp coi trọng với bảo vệ môi trường, sinh thái và không đánh đổi môi trường.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, trong những năm tới, phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ, bằng cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, giảm phân bón vô cơ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm cho đất nước và môi trường... là những mục tiêu cần đạt được. Qua đó, tăng cường ứng dụng công nghệ, năng suất, chất lượng cao. Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phải gắn với thương hiệu sản phẩm.

Cùng với đó, thay đổi cách thức quản lý để chuyển từ kiểm tra sang giám sát, truy suất nguồn gốc. Đồng thời, điều chỉnh giảm dần khai thác vùng biển ven bờ, xây dựng mối liên kết hợp tác giữa người đánh bắt với doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, tiến hành thí điểm hợp tác quốc tế, khai thác hải sản, đảm bảo gắn liền nguồn lợi thuỷ sản với các nước trong khu vực...

Đại diện ban tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, để thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững sẽ cần phải trông chờ rất nhiều vào hành động của doanh nghiệp.

Trong vòng 5 năm, số lượng các doanh nghiệp lập báo cáo bền vững đã tăng gấp 2 lần với 90% các doanh nghiệp đăng ký đã có 500 công ty lớn nhất lập báo cáo bền vững. Hơn thế nữa, mạng lưới hợp tác cũng đã được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ và tích cực giữa các doanh nghiệp và các quốc gia.

Ông Vinh cho hay, mặc dù cơ hội đem lại từ 12 lĩnh vực phát triển bền vững có thể mang lại giá trị kinh doanh ít nhất là 12.000 tỷ USD, song phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững; nhận thức trên toàn cầu đối với phát triển bền vững vẫn còn thấp; nhất là ở các đối tượng như người dân, người tiêu dùng, các nhà quản lý...

Ngoài ra, ảnh hưởng của khối các doanh nghiệp đến tiến trình phát triển bền vững vẫn chưa nhiều, chưa đem lại những tác động tích cực. Chính vì thế, để kinh doanh tốt hơn vì một thế giới tốt đẹp hơn, mục tiêu đưa ra là cần sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như một chiến lược tăng trưởng đúng đắn; cần sự gắn kết các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy hệ thống tài chính với định hướng đầu tư bền vững lâu dài.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục