Thái Nguyên nhân rộng mô hình thâm canh thủy sản chất lượng cao

12:22' - 24/03/2016
BNEWS Mục tiêu của Ngành nông nghiệp Thái Nguyên đến 2020 là phát triển sản xuất thuỷ sản theo hướng hàng hoá tập trung, tăng diện tích thâm canh và bán thâm canh chất lượng cao.
Thái Nguyên nhân rộng mô hình thâm canh thủy sản chất lượng cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, những mô hình thâm canh thủy sản chất lượng cao đang được các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh nhân rộng.

Mục tiêu của Ngành nông nghiệp Thái Nguyên đến 2020 là phát triển sản xuất thuỷ sản theo hướng hàng hoá tập trung, tăng diện tích thâm canh và bán thâm canh chất lượng cao với các giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, nâng cao năng lực sản xuất cá giống của tỉnh, đáp ứng 90% nhu cầu giống, sản xuất cá giống đạt 80 triệu con/năm.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản mở rộng diện tích nuôi thâm canh lên hơn 900 ha và diện tích nuôi bán thâm canh đạt trên 2.300 ha, phát triển nuôi cá lồng tại các hồ có diện tích mặt nước lớn như: Núi Cốc, Vai Miếu, Bảo Linh, Suối Lạnh, Nước Hai ... với quy mô từ 8.000 đến 10.000 m3 lồng nuôi. Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy đạt hơn 690 tỷ đồng.

Là tỉnh trung du miền núi, ít có lợi thế về nuôi trồng thủy sản nhưng hiện nay Thái Nguyên đã đưa vào sử dụng hơn 5.800 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản đạt khoảng 8.300 tấn/năm, giá trị hàng hóa ước đạt 330 tỷ đồng/năm.

Trong nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi thâm canh đạt hơn 350 ha, năng suất trung bình 6 tấn/ha và nuôi bán thâm canh trên 1.400 ha, năng suất đạt 2,7 tấn/ha, chủ yếu chăn nuôi các giống loài thủy sản truyền thống như: mè, trôi, trắm, chép…

Để đẩy mạnh chăn nuôi thủy sản, hiện tại, Trung tâm thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được 6 trại sản xuất giống thủy sản và mạng lưới mương nuôi, dịch vụ giống thủy sản tại các huyện trong tỉnh.

Các cơ sở sản xuất giống cung ứng trên 500 triệu cá bột và 50 triệu cá giống mỗi năm, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nuôi của tỉnh; đồng thời cung cấp giống cá cho một số tỉnh lân cận.

Một số mô hình phát triển thủy sản như mô hình nuôi cá tổng hợp trong ao theo hướng GAP; mô hình nuôi cá ao thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học; mô hình nuôi cá trong hồ chứa nhỏ; nuôi cá diêu hồng trong ao; nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính... đã được nhân rộng ở các vùng thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản: Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 cơ sở nuôi cá nước lạnh tại 2 huyện Đại Từ và Võ Nhai với sản lượng trung bình khoảng 30 tấn/năm.

Gần đây nhất, để khai thác tiềm năng mặt nước hồ Núi Cốc - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh, Công ty cổ phần thương mại tổng hợp và dịch vụ Sao Sáng đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để đóng mới 80 lồng cá, tiến hành thả cá lồng tại khu vực hồ thuộc xã Phúc Trìu (Thành phố Thái Nguyên) và xã Phúc Tân (Thị xã Phổ Yên).

Chỉ sau hơn 6 tháng kể từ ngày đưa vào chăn thả (từ tháng 8/2015), chủ yếu là các giống: chép, trắm đen, nheo… các lồng cá nuôi tại Hồ Núi Cốc của Công ty sinh trưởng, phát triển tốt, đủ tiêu chuẩn đua ra thị trường, ước đạt sản lượng khoảng 200 tấn/năm...

Theo đánh giá của tỉnh Thái Nguyên, hạn chế lớn trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn hiện nay đó là việc chưa tận dụng hết diện tích mặt nước vào nuôi trồng thủy sản, mới sử dụng 81% diện tích mặt nước hiện có, năng suất nuôi còn thấp so với tiềm năng, mới có gần 7% diện tích được nuôi thâm canh, còn lại là nuôi bán thâm canh và nuôi quảng canh, chưa phát triển nuôi cá lồng trên các hồ chứa lớn và các sông suối, giống loài thủy sản có giá trị kinh tế cao mới chỉ chiếm 30% trong cơ cấu giống thủy sản đang được chăn nuôi đại trà./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục