Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước

06:52' - 16/03/2016
BNEWS Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua đang đặt ra những thách thức tác động đến môi trường, tài nguyên nước.

Vậy việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước hiện nay cần được quan tâm thế nào, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đã chia sẻ với phóng viên BNEWS/TTXVN về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng.

BNEWS: Thứ trưởng đánh giá thế nào trước tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu đối với nước ta hiện nay?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Tác động của biến đổi khí hậu biểu hiện trước mắt là cực đoan về thời tiết và điều này mấy năm gần đây có thể thấy tương đối rõ. Đó là những trận mưa có cường độ cao, lượng mưa lớn và kéo dài. Tháng 3 vừa qua, xảy ra trận mưa lớn ở khu vực miền Trung trong khi hạn rất nặng. Đợt rét vừa qua cũng ghi nhận những mốc kỷ lục về nhiệt độ rất thấp ở toàn bộ phía Bắc. Điều này thể hiện cực đoan của thời tiết khí hậu và nó diễn ra trái với quy luật.

Tác động của El Nino với biểu hiện là nền nhiệt cao hơn trung bình, mùa mưa kết thúc sớm, có nơi kết thúc sớm hơn 2 tháng. Lượng nước trên sông suối, hồ chứa thiếu hụt nhiêm trọng. Có những hồ chứa lớn lượng nước chỉ đạt 28% dung tích thiết kế… Điều này ảnh hưởng rất lớn cho việc cung cấp nước cho các vùng hạ du hồ chứa vào những tháng khô hạn.

Mực nước sông Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất khoảng 90 năm qua. Cộng với những tác động khác của biến đổi khí hậu dẫn đến mặn xâm nhập sâu trải suốt từ sông Vàm Cỏ đến sông Tiền, sông Hậu và đến cả vùng miền Tây, sông Cái Lớn, cái Bé… 40-65 km (sâu hơn từ 15-25 km) với độ mặn cao lịch sử 4g/l. Độ mặn tại các vùng cửa sông còn cao hơn nữa, vượt qua ngưỡng chịu đựng của các các loài thủy sản nuôi.

Đó là những tác động của biến đổi khí hậu thể hiện qua những cực đoan thời tiết ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

BNEWS: Việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước trên hệ thống sông trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cần phải được đặt ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, những tác động đến tài nguyên nước do phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua cũng đặt ra những thách thức hết sức nghiêm trọng. Trước hết là trong quá trình phát triển, mặc dù tỷ lệ che phủ của rừng tăng lên nhưng rừng có tích chất trữ và điều tiết nước, rừng nguyên sinh có lớp thảm thực vật dày ít đi dẫn đến khả năng trữ nước, tăng nước ngầm vào mùa mưa bị hạn chế. Tác động thứ 2 là trong quá trình phát triển mở rộng diện tích cho phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đã sử dụng nhiều không gian chứa nước, như trong đô thị những trũng thấp sử dụng quá mức nên mất khả năng trữ nước, ngây ra úng ngập trong đô thị, lũ lụt cho vùng hạ du.

Thứ 3 là sự suy thoái của các con sông và theo đó, một trong những nguyên nhân là thiếu hụt lượng cát, nên mực nước các con sông, đáy sông bị hạ xuống. Trên sông Hồng, mực nước sống xuống thấp nên các hệ thống lấy nước trước đây không làm việc được nữa. Do vậy, vào sản xuất vụ Đông Xuân đã phải xả các hồ chứa thượng nguồn khoảng 5-5,5 tỷ m3 nước để nâng mực nước sông, giúp các hệ thống thủy lợi có thể lấy nước.

Hiện tượng này đã bắt đầu xuất hiện trên sông Mã, sông Cả và ngay trên các con sông này đã có đề xuất xây dựng các đập ngăn ở vùng cửa sông, xây dựng các trạm bơm lớn, lấy nước cho các hệ thống thủy lợi. Nhưng tôi lo ngại nhất là nếu điều này xuất hiện ở sông Mê Kông và các nhánh sông thì tác động sẽ là rất lớn. Bởi khi đó, các hệ thống sông lấy nước cho vùng đồng bằng xuất phát từ sông Tiền, sông Hậu sẽ bị suy giảm và một số vùng sẽ bị mặn sâu hơn, thiếu nước ngọt, ô nhiễm môi trường nước.

Một trong những hành động cần làm là quản lý rất chặt chẽ việc khai thác cát trên các con sông. Khi ách tắc luồng lạch bắt buộc phải nạo vét nhưng hãy dành cát đó bổ sung cho những vùng đang bị thiếu hụt cát. Một biểu hiện nữa tác động đến thiên tai là vấn đề sạt lở bờ sông ở vùng cửa sông và ven biển.

Vậy, bài toán lại đặt ra là liệu có cần phát triển hồ chứa không. Theo tôi, rõ ràng vẫn rất cần phát triển hồ chứa đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Khu vực này, sông ngắn, dốc và rừng có tích chất trữ nước kém cho nên lượng nước mùa mưa bị trôi hết, mùa khô thiếu hụt. Nhưng khi xây dựng hồ chứa được lợi mặt này thì cũng ảnh hưởng mặt khác. Về đa dạng sinh học có khả năng bị tác động, mất cân bằng cát cho vùng hạ du gây nên sói lở, suy thoái các con sông.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp không đi theo hướng tăng, mở rộng diện tích mà nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên nước…

BNEWS: Xin Thứ trưởng cho biết, việc đầu tư các công trình thủy điện, thủy lợi cần được tính toán ra sao để đảm bảo hài hòa công tác phòng chống hạn, chống lũ?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Một hồ chứa thủy điện sẽ tác động đến dòng chảy hạ du, hệ thống thủy lợi, môi trường nên khi quy hoạch cần đặt trên một tầm nhìn tổng thể để quy hoạch. Trước khi phát triển công trình trên sông chúng ta phải có quản lý tổng hợp và thống nhất theo lưu vực sông. Quy hoạch tốt sẽ đảm bảo các công trình hài hòa. Hiện đang có hiện tượng nhiều cơ quan lập quy hoạch và việc lập quy hoạch không được lấy ý kiến đầy đủ, dẫn đến ở một vài công trình thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường khu vực hạ du.

Tiếp theo là thực hiện đúng quy định về vận hành để đảm bảo hài hòa các mục tiêu sử dụng nước chứ không chỉ theo lợi ích của một công trình. Để làm tốt điều này cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong công tác lập quy hoạch, quy định về quản lý vận hành, công tác đo lường đánh giá để thực hiện nghiêm túc các quy định.

BNEWS: Theo Thứ trưởng, cần những giải pháp nào để công tác chống hạn, xâm nhập mặn hiện nay thực sự hiệu quả?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Vừa qua các cơ quan chuyên môn cũng đã làm tốt công tác dự báo. Từ tháng 10/2015, khi vẫn đang giữa mùa mưa Chính phủ đã có cuộc họp trực tuyến về các giải pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Từ đó Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ ngành, địa phương đã đưa ra và triển khai rất nhiều giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Về dự báo có tính chất chuyên ngành, các viện thuộc Bộ đã có dự báo hàng tuần khá tốt những diễn biến mực nước, khả năng xâm nhập mặn cho từng tỉnh, khu vực. Nhờ dự báo tốt và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của chính quyền địa phương, nhiều tỉnh đã điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc dừng sản xuất kịp thời.

Về dài hạn, Chính phủ cũng đã dành nguồn vốn lớn cho phát triển thủy lợi; xây dựng được phần lớn các hồ chứa lớn cả nước, đặc biệt là Nam Trung bộ và Tây nguyên. Các hồ chứa lớn còn lại không nhiều, với tổng dung tích khoảng 1,5 tỷ m3, tương đương với một công trình Cửa Đạt. Nhiều công trình đang được triển khai gấp rút bằng nhiều nguồn vốn như ODA, trái phiếu Chính phủ. Bộ đã kiến nghị Chính phủ dành nguồn vốn thích đáng để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, nghiên cứu, dự báo và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể, đặc biệt là trong phát triển nông lâm ngư nghiệp cho phù hợp, thích ứng với tác động của biển đổi khí hậu. Đối với các các vùng khô hạn hạn chế phát triển cây trồng sử dụng nhiều nước như trồng lúa. Những vùng ven biển hướng tới phát triển thủy sản, nghiên cứu những cây trồng chịu mặn. Cùng với đó là phải bảo vệ rừng vì rừng góp phần chính điều hòa nguồn nước.

BNEWS: Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Việt Nam đã học hỏi, tiếp thu và được hỗ trợ như thế nào từ các nước, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong việc ứng phó hạn, mặn?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế và các nước, tổ chức cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã được tiếp thu những công cụ, công nghệ, phương pháp luận, phương pháp tính đề nghiên cứu, đánh giá tác động, xây dựng các kịch bản.

Trước đây để nâng cao năng lực chống lũ, chúng ta thường chú trọng vào giải pháp công trình như: xây dựng hồ chứa lớn, trạm bơm, nâng cao đê và còn coi nhẹ các giải pháp phi công trình. Gần đây Việt Nam đã tiếp thu được những tư duy, giải pháp như tăng cường dự báo mưa, tính toán dòng chảy đến các hồ đập và vận hành các hồ đập một cách phù hợp.

Tác động đến sạt lở bờ biển do con người hay sức ép phát triển kinh tế - xã hội chúng ta mới nhận ra trong những năm gần đây và chưa có kinh nghiệm như các nước Nhật Bản, châu Âu... Học tập kinh nghiệm, Việt Nam có thể tiếp tục giải pháp dựa vào hệ sinh thái để phát triển du lịch; phục hồi vùng sạt lở để phát triển rừng ngập mặn và phát triển rừng thượng nguồn…

BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm:

>> Biến đổi khí hậu đang diễn biến xấu: Bài 1: Kiệt quệ vì hạn hán, xâm nhập mặn

>> Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Nghèo trên vựa lúa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục