Thấm đòn vì giá dầu giảm, Saudi Arabia đẩy mạnh cải cách kinh tế

13:42' - 04/05/2016
BNEWS Hoàng thái tử của Saudi Arabia, Mohammed ben Salman Al Saoud, vừa công bố gói cải cách kinh tế có tên "Tầm nhìn 2030". Tuy nhiên, kế hoạch mới này có thể sẽ gây ra rối loạn xã hội ở quốc gia này.
"Tầm nhìn 2030" tập trung vào việc giảm mạnh sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào dầu mỏ. Ảnh minh họa: Reuters

Trong bối cảnh giá dầu tiếp tục ở mức thấp khoảng 45 USD/thùng và chi phí ngày càng lớn cho cuộc chiến tại Yemen, Saudi Arabia đang tìm cách đa dạng hóa nguồn thu nhập để tiếp tục đầu tư cho chính sách xã hội lớn và tránh những rối loạn xã hội. Đó là gói cải cách kinh tế do Hoàng thái tử Mohammed ben Salman Al Saoud công bố tuần qua. 

Một trong những biện pháp chính của gói cải cách là thành lập quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, trong đó một phần tiền từ quỹ này đến từ việc bán 5% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco. Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) số cổ phần của Aramco dự kiến sẽ thu về 2.000 tỷ USD, gấp bốn lần giá trị của Apple trên thị trường chứng khoán. 

Với quỹ đó, các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia muốn đầu tư để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Hoàng thái tử Al Saoud cho biết đầu tư cần phải trở thành nguồn thu chính của Chính phủ Saudi Arabia.

Ông Al Saoud đã dẫn ra các ví dụ điển hình như Qatar và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất trong vòng gần 20 năm đã biến nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ thành những ngành công nghiệp du lịch, công nghệ mới và dịch vụ.

Việc bán 5% giá trị cổ phần của Aramco sẽ đi cùng với những biện pháp khác như đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư và làm giảm thủ tục cấp thẻ cư trú, theo đó Saudi Arabia sẽ triển khai dự án thẻ xanh trong vòng 5 năm tới nhằm tạo điều kiện cho những người Arab và Hồi giáo được sống và làm việc dài hạn tại quốc gia vùng Vịnh này nhằm thúc đẩy đầu tư.

Tuy nhiên, kế hoạch mới cũng có nguy cơ gây ra những rối loạn xã hội hoặc đưa nhiều thanh niên đến vòng tay của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nguồn thu ngân sách của Saudi Arabia bắt đầu thiếu hụt, khi nguồn thu của nước này dự kiến đạt 137 tỷ USD nhưng chi ngân sách lên tới 225 tỷ USD, thâm hụt 80 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giá điện, nước, khí đốt đã tăng lên từ những tháng qua và gây ra bất ổn trong xã hội. Tại Ryad, mọi người đang bắt đầu chỉ trích những quyết định của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saudi như cuộc chiến tại Yemen hay thực hiện “bàn tay sắt” với đối thủ láng giềng Iran.

Lao vào cuộc chiến với Teheran, Ryad hiểu rằng giành được phần thắng trong vai trò gây ảnh hưởng trong khu vực cần nhiều công cụ tài chính. Đó lại là những công cụ mà Ryad bắt đầu thiếu trong thời điểm hình ảnh của Iran lại đang bắt đầu tốt lên sau nhiều năm bị cấm vận.
Hãng tin "Bloomberg News" ngày 20/4 cho biết Saudi Arabia sẽ vay 10 tỷ USD của các ngân hàng nước ngoài gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, nhằm giúp bù đắp phần thiếu hụt vốn nhà nước do thu nhập giảm vì giá dầu lao dốc.

Theo nguồn tin trên, đây sẽ là khoản nợ quốc gia đầu tiên của Saudi Arabia trong ít nhất 15 năm - nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Chính quyền Riyadh đã thông báo mức thâm hụt ngân sách kỷ lục là 98 tỷ USD trong năm 2015 và dự kiến mức thâm hụt trong năm nay là 87 tỷ USD.

Trước thực trạng này, Saudi Arabia đã phát hành trái phiếu trên thị trường nội địa, trị giá 30 tỷ USD và đã áp dụng biện pháp chưa từng có tiền lệ là tăng giá bán lẻ nhiên liệu thêm 80% trong tháng 12/2015, cắt trợ cấp dành cho ngành điện lực, nước cũng như các dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia còn hoãn triển khai một số dự án lớn, cân nhắc kế hoạch tư nhân hóa và tăng thuế. Trong hai năm qua, giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, từ hơn 100 USD/thùng vào đầu năm 2014 xuống khoảng 40-45 USD/thùng đã buộc chính quyền Riyadh phải cắt giảm chi tiêu và nỗ lực tìm ra những giải pháp kinh tế khác.
Tầm nhìn Kinh tế 2030 cho giai đoạn hậu kỷ nguyên dầu mỏ được công bố trong bối cảnh Saudi Arabia đang nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua việc thu hút các khoản đầu tư, triển khai các cải cách kinh tế cần thiết và các dự án kinh doanh.

Theo thống kê, dầu mỏ đóng góp hơn 80% ngân sách của các nước thuộc nhóm Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đặc biệt là Saudi Arabia. Với Tầm nhìn Kinh tế 2030, Saudi Arabia đặt mục tiêu vươn từ vị trí là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới lên Top 15 nền kinh tế lớn nhất hành tinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục