Thanh toán không dùng tiền mặt: Lợi ích cho tất cả các bên

11:31' - 12/03/2018
BNEWS Nếu như trước đây, những nhân viên ngành điện, nước phải đi gõ cửa từng nhà thu tiền hàng tháng thì nay, các chi phí sinh hoạt ấy đều được thanh toán qua ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian.
Agribank cung ứng dịch vụ thanh toán hóa đơn tự động đến khách hàng

Không quá khó để sử dụng dịch vụ này khi nhiều ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, SHB, LienVietPostBank... đều đang triển khai thu hộ tiền điện, nước, cước viễn thông, truyền hình, phí bảo hiểm... nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Theo đại diện Vietcombank, chỉ riêng dịch vụ thanh toán tiền điện, ngân hàng đã triển khai đồng bộ khắp cả nước trên cơ sở hợp tác với hơn 100 công ty điện lực địa phương. Trong tháng đầu năm 2018, Vietcombank đã mở rộng hợp tác với 3 công ty cổ phần cấp nước ở Đà Nẵng, Long Khánh (Đồng Nai) và Cần Thơ; hợp tác thanh toán học phí với trường Đại học Tài nguyên Môi trường và mở rộng dịch vụ thu hộ tại Công ty Việt Phú.

Hưởng lợi từ tiện ích thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của ngân hàng phối hợp với Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, gia đình anh Nguyễn Ngọc Phương (Vĩnh Tuy) đã không phải thấp thỏm chờ nhân viên đến thu tiền điện như trước. Nhờ đó, anh Phương và nhiều hộ gia đình khác ở Hà Nội cũng không lo bị cắt điện tạm thời mỗi khi trả chậm tiền điện sau 15 ngày thông báo.

Ông Trần Văn Phú ở thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị chia sẻ, nhờ có dịch vụ thu hộ tiền điện của Agribank mà gia đình ông cũng như các hộ dân ở đây chủ động được thời gian thanh toán hóa đơn, tránh trường hợp khi nhân viên điện lực đến thu tiền không gặp được chủ nhà phải đi lại nhiều lần hoặc khi gia đình có việc đột xuất đi xa không kịp thanh toán sẽ bị cắt điện phải làm thủ tục đấu nối lại mất thời gian.

Thực tế cho thấy, khách hàng không phải là đối tượng duy nhất được hưởng lợi trực tiếp từ việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, mà ngay bản thân các doanh nghiệp thực hiện cũng thu về nhiều giá trị to lớn.

Bà Tô Lan Phương, Phó Trưởng ban kinh doanh, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, những nhân viên thu tiền điện tại nhà trước đây, nay sẽ được đào tạo, nâng cao năng lực và tăng cường sang bộ phận khác như tư vấn, chăm sóc khách hàng... theo định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã áp dụng thanh toán bằng thẻ nội địa Flexicard tại các chuỗi cửa hàng xăng dầu. Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho rằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp tiết giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Từ chi phí tiết giảm đó, doanh nghiệp có thể quay trở lại hỗ trợ cho khách hàng bằng các chương trình khuyến mại...

Vietcombank là một trong số các ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện, nước. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Về phía ngân hàng, bà Võ Thị Bình, Trưởng phòng Dịch vụ Marketing Agribank Quảng Trị cho biết, việc hợp tác thu tiền điện với Công ty Điện lực Quảng Trị ngoài việc tăng cường mối quan hệ hợp tác, tranh thủ nguồn tiền gửi không kỳ hạn, tăng thu dịch vụ, còn là cơ hội cho cán bộ Agribank tiếp xúc với khách hàng để phát triển các sản phẩm dịch vụ.

Bà Bình lạc quan rằng, thực hiện tốt dịch vụ này, sẽ góp phần thay đổi thói quen chi trả bằng tiền mặt của khách hàng, nhất là nông dân ở khu vực nông thôn, từ đó đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên, thói quen tiêu dùng tiền mặt ăn sâu từ lâu kết hợp với tâm lí lo sợ rủi ro khi giao dịch điện tử, kèm mạng lưới chấp nhận thanh toán qua thẻ còn chưa đủ... đang là những rào cản lớn khiến loại hình thanh toán này chưa thể phát triển như kỳ vọng.

Do đó, theo bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thẻ Vietcombank kiêm Trưởng Tiểu ban Chính sách Hội thẻ Việt Nam (VBCA), Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ trong việc định hướng nền kinh tế hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, xây dựng một cơ sở hạ tầng tiện lợi, an toàn, nhanh chóng cho người dùng cũng là một giải pháp quan trọng. Bởi thực tế ở Việt Nam, việc phát triển phương tiện thanh toán vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố, còn ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, việc thanh toán bằng thẻ hay ngân hàng điện tử còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, bà Vân cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông để người dân thấy được tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiểu biết của người dùng về giao dịch an toàn với thẻ và ngân hàng điện tử (từ việc đặt mật khẩu của ngân hàng điện tử hoặc thẻ cho đến việc chọn website uy tín để giao dịch).

Theo Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Với sự quyết tâm của Chính phủ và các ban, ngành cùng tốc độ phát triển như hiện nay, nhiều chuyên gia lạc quan về khả năng hiện thực hóa mục tiêu trên./.

>>> Gỡ vướng trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục