Thanh tra làm rõ những “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường

14:42' - 25/07/2016
BNEWS Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các đơn vị chức năng đang triển khai thực hiện thanh tra nhằm làm rõ những “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thái Nguyên, Bắc Giang và Đà Nẵng.

Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các đơn vị chức năng của Bộ đã và đang triển khai thực hiện công tác thanh tra nhằm làm rõ những “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông tin người dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, phản ánh Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường, ngày 14/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động của Công ty này.

Bộ thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về tài nguyên và môi trường của Công ty Núi Pháo trong thời gian đầu tháng 8/2016, bao gồm một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ như bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai.

Theo đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định rõ các nội dung thanh tra và tổ chức thực hiện, đặc biệt sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc một số lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Công ty.

Trên cơ sở kết luận của Đoàn thanh tra, Bộ và UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ yêu cầu Công ty Núi Pháo thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, khắc phục các vấn đề môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty gây ra.

Bộ yêu cầu Công ty Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của Công ty gây ra, trên cơ sở đó Bộ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét phạm vi các hộ dân tại xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, có thể phải di dời; báo cáo chi tiết về quá trình thực hiện và các nội dung thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ khai thác và chế biến (làm rõ việc tăng chủng loại và khối lượng hóa chất sử dụng) so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; lập Kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Để chuẩn bị cho công tác thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên cung cấp thông tin về kết quả thực hiện Quyết định phê duyệt Kế hoạch di dời, tái định cư đối với toàn bộ các khu vực liên quan đến dự án Núi Pháo; các thông tin, tư liệu (báo cáo, kết quả phân tích, hình ảnh,...) về các vấn đề môi trường đã xảy ra thời gian qua; việc thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường và các công trình bảo vệ môi trường của dự án Nhà máy công nghệ cao tinh luyện vonfram.

Tiếp đó ngày 18/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1596 về việc thanh tra về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường (tại xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang).

Tổng cục Môi trường đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định thành lập Đoàn thanh tra về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường.

Đoàn thanh tra do Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường làm Trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của đại diện Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, đại diện Bộ Công an, đại diện các đơn vị thuộc tỉnh Bắc Giang như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Sơn Động và UBND xã Cẩm Đàn.

Trên cơ sở kết quả của Đoàn thanh tra, nếu phát hiện vi phạm, Đoàn thanh tra sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, ngày 21/7, tại thành phố Đà Nẵng, Đoàn thanh tra của Tổng Cục Môi trường do ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đã công bố Quyết định 909 về việc thanh tra môi trường hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian 45 ngày.

Đoàn thanh tra sẽ nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra tại trụ sở đơn vị; kiểm tra các thủ tục hành chính về phát sinh chất thải, các hệ thống xử lý chất thải và xác định các vị trí xả chất thải ra môi trường để lấy mẫu trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật.

Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu chất thải và môi trường xung quanh của đơn vị theo chế độ đột xuất để đảm bảo tính pháp lý, khách quan, khoa học và phù hợp với thực tế. Việc lấy mẫu chất thải, môi trường xung quanh sẽ được lập biên bản, có chữ ký của đại diện đoàn thanh tra, đơn vị lấy, phân tích mẫu và đại diện có trách nhiệm của đơn vị được thanh tra. Khi được thành viên Đoàn thanh tra yêu cầu lấy mẫu, đơn vị phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành viên trong đoàn hoàn thành nhiệm vụ.

Đơn vị phải cử cán bộ phối hợp, tạo điều kiện để đoàn tiếp cận vị trí đo và lấy mẫu đột xuất trong 5 phút kể từ khi được thông báo.

Trong quá trình thanh tra, đoàn cũng sẽ xác định các hành vi vi phạm (nếu có) để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục