Thị trường chứng khoán thế giới năm 2016 khó đoán định

07:58' - 12/01/2016
BNEWS Thị trường chứng khoán thế giới đã đi qua năm 2015 trong cảnh “đầu xuôi, đuôi không lọt” khi khá hứng khởi vào nửa đầu năm song lại ảm đạm vào cuối năm.
Sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có những ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Ảnh:THX/TTXVN

Thị trường diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tung ra các gói kích thích kinh tế, Mỹ nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên và các thị trường hàng hóa thì rớt giá, nhất là giá dầu mỏ.

Sau một khởi đầu đầy hứa hẹn, thị trường đã khép lại một cách "khập khiễng": trong khi chứng khoán Mỹ và châu Âu tận hưởng một chuỗi ngày phá kỷ lục liên tiếp thời gian đầu của năm, nhờ chương trình nới lỏng có định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sự phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng các thị trường này lại tỏ ra đuối sức vào cuối năm.

Trong lúc đó, thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến một năm thiếu sinh lực và khá hỗn loạn, khởi phát từ sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào mùa Hè. Mặc dù đã có những giai đoạn "đẹp" với các kỷ lục đỉnh cao liên tiếp bị phá vỡ, song khép lại năm 2015, thậm chí Phố Wall còn bị đánh giá là năm có biến động tệ nhất trong vòng bảy năm trở lại đây.

Và tính chung cho cả năm 2015, chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn lùi 2,2%, S&P 500 “tụt” 0,7% - đánh dấu năm giảm điểm lần đầu tiên của chỉ số này kể từ năm 2011. Chỉ có Nasdaq là có diễn biến khả quan hơn khi khép năm 2015 với mức tăng 5,7%.

Với châu Âu, việc ECB tung ra các gói kích thích kinh tế đã giúp các thị trường trụ được và tăng trong năm 2015. Sự khởi sắc của thị trường còn liên quan nhiều đến sự mất giá của đồng euro. Trong cả năm 2015, đồng euro đã giảm gần 10% so với đồng USD.

Tính chung cả năm 2015, chỉ số chứng khoán Đức và Pháp tăng 10%, song chứng khoán nước Anh lại để mất 5%.

thị trường chứng khoán châu Á về đích không mấy ấn tượng. Nhật Bản, cũng giống như khu vực Eurozone, vẫn đang “cố thủ” với chính sách tiền tệ lỏng, đã kết thúc năm 2015 với chỉ số Nikkei 225 tăng khoảng 9% trong cả năm. Thị trường Trung Quốc - mặc dù đã chứng kiến một trong những năm “đau thương” nhất trong lịch sử 25 năm trong năm 2015 - nhưng chỉ số Shanghai Composite vẫn tăng 9,4%.

Không may mắn như Nhật Bản và Trung Quốc, các thị trường chứng khoán chủ chốt khác của châu Á - do tác động tiêu cực từ việc giá dầu giảm sâu và những lo ngại về kinh tế Trung Quốc - đã chủ yếu đi xuống trong năm 2015, với chỉ số MSCI của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm gần 12%. Chỉ số chứng khoán của các thị trường đang nổi cũng mất 17% trong năm 2015. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong mất hơn 7%; chứng khoán Sydney giảm 2%...

Với thị trường chứng khoán Mỹ, năm 2016 được dự đoán sẽ là một năm đầy “bận rộn”. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Nhận định về thị trường chứng khoán trong năm 2016, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng Trung Quốc vẫn là yếu tố chính có ảnh hưởng lớn tới triển vọng của các thị trường toàn cầu. Sự giảm tốc cũng như triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa và sự cân bằng trên thị trường tiền tệ.

Hơn nữa, những tác động từ hoạt động kinh tế yếu kém tại Trung Quốc có thể lan ra toàn cầu, gây tổn thương cho tất cả các nền kinh tế, nhất là các thị trường mới nổi. Bất chấp những tín hiệu dè dặt cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bình ổn trở lại, song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn tiềm ẩn những thách thức ở mức độ rất cao về tín dụng và nợ công.

Giá cả hàng hóa cũng là một yếu tố khác được giới phân tích cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán trong năm 2016. Nếu giá dầu tiếp tục giảm sẽ nảy sinh thêm nhiều hệ lụy. Một số nhà phân tích thậm chí còn dự đoán giá dầu có thể sẽ “chìm” xuống chỉ còn 20 USD/thùng trong thời gian tới.

Các hoạt động khủng bố và bất ổn địa chính trị tại những khu vực “nóng” của thế giới như ở bán đảo Triều Tiên, Trung Đông…, cũng được xem là một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với thị trường chứng khoán thế giới năm 2016.

Với thị trường chứng khoán Mỹ, năm 2016 được dự đoán sẽ là một năm đầy “bận rộn”. Hầu hết các chuyên gia đều dự đoán đây sẽ là năm thứ 7 thị trường này tăng trưởng tốt, với chỉ số S&P 500 dự báo sẽ đạt mức 2.207 điểm vào cuối năm 2016, cao hơn 8% so với mức hiện tại.

Tuy nhiên, các chiến lược gia cũng liệt kê một loạt thách thức lớn, từ khả năng có một năm bầu cử có thể gây bất ổn đến một cuộc khủng hoảng trong tương lai, có thể đe dọa nghiêm trọng đến thị trường Phố Wall nói riêng và toàn cầu nói chung.

Đối với châu Âu, giới phân tích lại có một cái nhìn tươi sáng hơn khi kỳ vọng chỉ số chứng khoán liên châu Âu STOXX 600 sẽ ở trên mốc 400 điểm vào cuối năm 2016. Thậm chí, ngay cả khi chỉ số này có thể không lặp lại mức cao nhất của năm 2015 là 415 điểm thì cũng có khả năng tăng thêm khoảng 10% từ mức hiện nay.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng thị trường chứng khoán châu Âu có lẽ vẫn là lựa chọn tốt nhất trong không nhiều những lựa chọn, khi việc nắm giữ trái phiếu không còn được ưu tiên và thị trường chứng khoán Mỹ thì có thể đã ở đoạn cuối của chu kỳ tăng.

Thị trường chứng khoán châu Á được dự báo là sẽ tiếp tục một năm 2016 “gập gềnh” và bất ổn như năm 2015. Theo dự báo của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc sẽ sụt giảm khoảng 27% trong năm 2016, tương đương với mức giảm khoảng 2.600 điểm. Ngân hàng này cũng cho rằng nỗi buồn mà TTCK Trung Quốc trải qua trong mấy phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 có thể sẽ còn kéo dài suốt cả năm do triển vọng ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục