2015 - năm “đen đủi” nhất của Phố Wall trong vòng 7 năm qua

10:41' - 02/01/2016
BNEWS Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giao dịch cuối cùng của năm 2015 trong không khí ảm đạm. Năm vừa qua còn được đánh giá là năm Phố Wall biến động tệ nhất trong vòng 7 năm.
2015 được đánh giá là năm “đen đủi” nhất của Phố Wall trong vòng 7 năm qua. Ảnh: Reuters

Tuần giao dịch này của Phố Wall kết thúc sớm hơn thường lệ một ngày do thị trường nghỉ lễ Năm mới đúng vào thứ Sáu. Tiếp tục chịu sự chi phối của giá dầu mỏ, thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giao dịch cuối cùng của năm 2015 trong không khí ảm đạm.

Thậm chí, năm vừa qua còn được đánh giá là năm Phố Wall biến động tệ nhất trong vòng bảy năm.

Điểm sáng duy nhất của tuần này xuất hiện ở phiên 29/12, khi cả ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt lên điểm, nhờ sự khởi sắc của thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, đà giảm sâu của giá dầu và xu hướng bán tháo cổ phiếu được đẩy mạnh vào các phiên cuối năm vẫn khiến Phố Wall đỏ sản trong ba trên bốn phiên giao dịch của tuần qua.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones Jones giảm 1%, xuống 17.425,03 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,9%, xuống 2.043,94 điểm. Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 1,2%, và đóng cửa ở mức 5.007,41 điểm.

Tính chung cho cả năm 2015, chỉ số công nghiệp Dow Jones lùi 2,2%, S&P 500 “tụt” 0,7%, đánh dấu năm giảm điểm lần đầu tiên của chỉ số này kể từ năm 2011.

Giới phân tích cho rằng đây là năm “tệ” nhất của Dow Jones và S&P kể từ năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu xảy ra, cho dù cả hai chỉ số này liên tục cán các mốc cao kỷ lục hồi đầu năm.

Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq lại có diễn biến khả quan hơn khi khép lại năm 2015 với mức tăng 5,7%.

Ngoài tác động của giá dầu mỏ thế giới, thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm nay cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua và tình trạng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, trong khi sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức đóng cửa nghỉ lễ thì chỉ số FTSE 100 của nước Anh và CAC 40 của Pháp lần lượt đóng cửa phiên cuối năm với mức hạ giảm 0,5% và 0,9%. Xét trong cả năm 2015 vừa qua, chỉ số DAX 30 và CAC 40 tăng gần 10%, song FTSE 100 lại giảm 5%.

Thị trường chứng khoán châu Á về đích không mấy ấn tượng. Đóng cửa phiên 31/12, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,2% lên 21.914,4 điểm.

Trong lúc chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải lại giảm 0,9% xuống 3.539,18 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 tại Sydney đóng cửa phiên này hạ 0,5% xuống 5.295,9 điểm.

Tính chung cả năm 2015, thị trường chứng khoán Hong Kong mất hơn 7%, chứng khoán Sydney giảm 2%.

Nhà phân tích Connor Campbell của Spreadex nhận định sau một khởi đầu đầy hứa hẹn, thị trường đã khép lại năm 2015 rất "khập khiễng". Trả lời báo giới, ông Campbell cho biết có hai giai đoạn riêng biệt cho các thị trường trong năm nay.

Ba tháng đầu năm chứng kiến các thị trường châu Âu và Mỹ nhảy vọt lên mức cao kỷ lục, nhờ lực đẩy mạnh mẽ từ sự kỳ vọng và sau đó là gói kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như "sức đàn hồi" của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, không khí giao dịch đầy hưng phấn này dần tan biến trong những tháng sau đó với thế giới bất an trước cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, sự đi xuống của thị trường chứng khoán Trung Quốc và khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất.

Theo nhà kinh tế Neil MacKinnon của VTB Capital, trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là trung tâm của triển vọng cho thị trường toàn cầu. Mặc dù đã có các dấu hiệu về sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc nhưng vẫn còn những thách thức đến từ tín dụng và nợ.

Chuyên gia này cũng cho rằng giá hàng hóa sẽ giữ vai trò chủ chốt cho hoạt động thị trường trong năm 2016 và nếu giá dầu tiếp tục giảm sẽ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục