Thị trường đường ăn vẫn chưa "hạ nhiệt"

14:21' - 12/08/2016
BNEWS Khảo sát tại một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá đường ăn vẫn cao so với đầu năm.
Thị trường đường ăn vẫn chưa "hạ nhiệt". Ảnh: TTXVN

Cách đây gần 2 tháng, trước diễn biến giá đường ăn tăng cao, đại diện Cục chế biến nông lâm thủy sản của Bộ Nông nghiệp đã đưa ra nhận định: Giá đường ăn sẽ hạ nhiệt khi Bộ Công Thương có quyết định lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016.

Tuy nhiên, với lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường mới được bổ sung thêm 100.000 tấn đã nâng tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường lên 285.000 năm 2016 nhưng đến nay, thị trường mặt hàng này vẫn nóng.

Khảo sát tại một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá đường ăn vẫn cao so với đầu năm. Đa số người tiêu dùng được hỏi vẫn cho rằng mặt hàng này không những không giảm mà còn tăng cao hơn so với trước đây.

Đặc biệt, đối với những hộ kinh doanh bánh mứt kẹo, bán chè đều cảm thấy ái ngại và bất ổn khi giá đường vẫn cao chót vót.

Theo chị Đặng Thị Thảo, nhân viên siêu thị Fivimart Trần Quang Khải, nếu như trước đây giá đường chỉ mấp mé 17.000 đồng/kg thì nay giờ đang giữ giá 20.000 đồng/kg.

Nhiều người tiêu dùng khi đến siêu thị đều thắc mắc tại sao siêu thị bán đắt chứ họ không biết rằng đó là do giá tại các kênh phân phối điều chỉnh giá nên siêu thị cũng phải tăng theo.

Còn theo anh Văn Sơn, chủ đại lý bánh kẹo nước giải khát trên phố Kim Ngưu, so với đầu năm giá đường đang đứng rất cao. Trước đây, đại lý chỉ giao buôn với giá 16.500 đồng/kg thì hiện nay đã lên đến 19.500 đồng/kg.

Dù không biết tận gốc của nhà máy sản xuất giá bán ra thế nào nhưng các đại lý thường lấy qua các kênh phân phối nhỏ nên khi mặt hàng này đến tay người tiêu dùng thường có giá cao.

Chủ cửa hàng chè Mười Sáu, phố Lê Văn Hưu cũng tỏ ra ái ngại khi giá đường liên tục tăng gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh. So với giá đường khoảng 2 tháng trước, giá đường vẫn lên và chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng hơn đợt trước.

Nói chung, từ đầu tháng 4 đến giờ giá đường quá cao khiến kinh doanh của cửa hàng bị thâm hụt bởi không phải cứ giá đường tăng thì chè cũng tăng giá theo. Không những thế, nếu giảm lượng đường khi nấu sẽ ảnh hưởng đến chật lượng và uy tín của cửa hàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đưa ra khuyến cáo, sắp tới rằm Trung thu là lễ tết của dân tộc thì chắc chắn nhu cầu rất lớn, lúc đó nhu cầu về đường rất cao.

Ngoài ra, thường trong mùa hè lượng đường tiêu thụ lớn nên hạn ngạch nhập khẩu được tăng nhưng cũng không thể đáp ứng thỏa mãn và đầy đủ quan hệ cung – cầu. Chính điều này đã làm cho giá đường không có xu hướng dừng lại và vẫn tiếp tục ở mức cao.

Các chuyên gia Tổ điều hành thị trường cho rằng, giá cả lên xuống còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Giá đường cũng vậy, khi cầu tăng mà cung không đáp ứng được thì chắc chắn sẽ có biến động.

Hơn nữa, mặt hàng đường được nhập khẩu vào thời điểm sớm, kịp thời thì vẫn có thể điều tiết giá trên thị trường. Thực tế đã cho thấy, thị trường sẽ điều tiết theo đúng quan hệ cung – cầu.

Do vậy, với vai trò quản lý và điều hành, việc cho phép nhập khẩu 285.000 tấn đường là nhằm đảm bảo cho thị trường trong nước được ổn định, tránh tình trạng doanh nghiệp mía đường và cả doanh nghiệp kinh doanh "găm hàng" trong kho khi thấy giá đường trên thị trường tăng lên, làm cho giá đường bị sốt ảo. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục