Thị trường năng lượng toàn cầu trước sức ép từ Mỹ

05:30' - 09/06/2017
BNEWS Thị trường năng lượng toàn cầu đang nằm dưới sức ép ngày một tăng của Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thị trường năng lượng toàn cầu trước sức ép từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tổng thống Donald Trump đã đề xuất bán một nửa kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ vài ngày trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thảo luận về quyết định kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu.

Chính quyền của ông Trump cho biết nếu đề xuất được thông qua, kế hoạch này có thể đóng góp vào ngân sách 3,9 tỷ USD vào năm 2027 và lên tới 16,6 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2027.

Nhằm cân bằng ngân sách quốc gia, Nhà Trắng gần đây đã đưa ra đề xuất bán nửa kho dự trữ dầu trong vòng 10 năm. Đề xuất chính thức được công bố cùng thời điểm với cuộc họp các thành viên của OPEC diễn ra ở Vienna vừa qua nhằm thảo luận khả năng kéo dài thời gian cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ từ 6 tháng lên 9 tháng.

Những nỗ lực gần đây của OPEC nhằm nâng giá dầu đã bị cản trở khi sản lượng dầu của những quốc gia không thuộc nhóm này tăng vọt, đặc biệt là các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Sản lượng dầu của nước này đã vượt xa so với kỳ vọng thị trường sau khi tìm ra phương pháp sản xuất dầu với chi phí thấp.

Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays cho biết "kể cả khi sản lượng dầu của Mỹ năm 2017 không quá lớn, các nước thành viên OPEC vẫn sẽ phản đối đề xuất của Tổng thống Trump”, Mỹ đang cố gắng đưa một lượng lớn dầu mỏ vào thị trường trong khi OPEC lại đang cố gắng làm điều ngược lại.

Các quan chức của Saudi Arabia và Nga cho biết OPEC và các đồng minh dự kiến sẽ kéo dài thời hạn cam kết cắt giảm sản lượng đến hết quý I/2018.

Đề xuất bán dự trữ dầu của Mỹ vào thời điểm này cho thấy sự tăng trưởng vượt trội của ngành công nghiệp năng lượng nước này. Chính quyền của Tổng thống Trump đang từng bước trở thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Sarah Ladislaw, một thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Washington cho hay: "Đây là bằng chứng cho thấy Mỹ đang khá tự tin về nguồn cung dầu”. Tuy nhiên, thời điểm Mỹ đưa ra đề xuất là rất bất ngờ.

Không lâu trước đây, Tổng thống Donald Trump đã ký một thỏa thuận quốc phòng có giá trị lên tới 110 tỷ USD với Saudi Arabia. Thỏa thuận này từng được xem như một dấu hiệu mở rộng hợp tác chiến lược với một đồng minh quan trọng ở Trung Đông của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng theo bà Ladislaw, chiến lược dài hạn cho đề xuất của ông Trump vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. "Vấn đề đặt ra là Mỹ có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những tác động trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và trong nước. Tôi nghĩ rằng chính phủ đã không cân nhắc kĩ lưỡng về khả năng này".

Các cựu Tổng thống Mỹ cũng đã từng đề xuất can thiệp vào kho dự trữ chiến lược quốc gia. Chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama đã từng đề nghị bán một phần dự trữ dầu trị giá 5,1 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2025 để bù đắp cho khoản ngân sách bị thiếu hụt.

Trong khi đó, cựu Tổng thống George W. Bush đề xuất tăng gấp đôi lượng dầu dự trữ để đối phó với tình trạng giá dầu tăng cao. Cũng như các cựu Tổng thống, đề xuất của ông Trump vẫn cần sự chấp thuận của Quốc hội và dự kiến sẽ bị thay đổi đáng kể trước khi được thông qua. Bà Ladislaw cũng cho hay những thành tựu mà đề xuất có thể mang lại mới chỉ là dự kiến.

Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ (SPR) được thành lập nhằm đáp trả lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của các nước Arab năm 1973 với mục đích cắt giảm nguồn cung và đẩy cao giá dầu trên toàn cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger vào lúc đó đã đưa ra đề xuất xây dựng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia nhằm bù đắp nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Tổng thống Trump đề xuất bán thêm 270 triệu thùng dầu trong kho SPR, hiện đang ở mức khoảng 687,7 triệu thùng trong các hầm chứa và các hang muối nhân tạo tại Texas và Louisiana.

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ khó có thể bán dự trữ dầu như đề xuất vì Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) yêu cầu kho dự trữ chiến lược của các thành viên phải đảm bảo tối thiểu ở mức tương đương 90 ngày nhập khẩu dầu. IEA được thành lập vào năm 1974 sau lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ. Đây là một trong những nỗ lực của Ngoại trưởng Kissinger nhằm bảo vệ thị trường khỏi sự gián đoạn.

Tuy nhiên, Michael Cohen - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường năng lượng tại ngân hàng Barclays - cho biết quy định về các thông số của IEA có thể thay đổi do sự tăng trưởng độc lập của nghành công nghiệp năng lượng Mỹ. Theo ông Cohen, sản lượng dầu thô của Mỹ đang tăng mạnh so với những năm qua.

Điều này có thể làm giảm mức dự trữ dầu theo quy định của IEA. Giá dầu ngay lập tức giảm sau đề xuất “bán tháo” của Nhà Trắng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đề xuất “bán tháo” SPR sẽ không tác động nhiều đến thị trường dầu mỏ.

Theo Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu thị trường tại Tập đoàn Wood Mackenzie, nếu dầu được bán ra thị trường trong giai đoạn nhu cầu thấp hoặc khi các nhà máy lọc dầu đang trong quá trình bảo trì, giá đương nhiên sẽ thấp. "Thị trường dầu sẽ dần thay đổi theo thời gian vì lượng dầu Mỹ bán ra cũng không quá lớn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục