Thu mua muối tạm trữ: Chậm triển khai - lỡ thời cơ bình ổn giá

06:07' - 26/07/2016
BNEWS Chính phủ đã có chỉ đạo về việc thực hiện mua muối tạm trữ của đơn vị chức năng, tuy nhiên do triển khai chưa kịp thời nên đã bỏ lỡ cơ hội bình ổn giá muối.
Diêm dân phải xây dựng nhà trữ muối do giá thấp, không người mua. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Do đặc thù của sản xuất muối, vào thời gian nắng hạn năng suất, sản lượng đều tăng, giá muối giảm, lượng muối tồn đọng nhiều, đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn.

Nhằm bình ổn giá muối trên thị trường giúp cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi, ngày 16/6/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến các Bộ, ngành về việc mua muối tạm trữ niên vụ 2016.

Tuy nhiên, việc thực hiện mua muối tạm trữ của đơn vị chức năng còn chưa kịp thời nên đã bỏ lỡ cơ hội bình ổn giá muối.

Ninh Thuận được xem là thủ phủ muối của cả nước nước với tổng diện tích hơn 3.540 ha hữu hiệu/3.940 ha đồng muối, tăng hơn 630 ha so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, có gần 2.900 ha muối công nghiệp và hơn 650 ha muối nền đất và một phần trải bạt do diêm dân sản xuất.

Tính đến 15/7, sản lượng muối thu hoạch tại Ninh Thuận đạt hơn 320.000 tấn, giảm 17.680 tấn; trong đó, muối của diêm dân 150.000 tấn, tăng trên 32.180 tấn; muối công nghiệp của các doanh nghiệp đạt 170.000 tấn, giảm gần 50.000 tấn (nguyên nhân là do ảnh hưởng môi trường, Công ty TNHH Hạ Long tạm ngưng sản xuất trên một số diện tích và Công ty TNHH Đầm Vua tạm dừng đầu tư để gia hạn hợp đồng sử dụng đất).

Lượng muối bán ra cả tỉnh 184.000 tấn; trong đó, muối công nghiệp 34.000 tấn, muối trong dân 150.000 tấn. Tính đến giữa tháng 7, lượng muối còn tồn đọng 181.000 tấn; trong đó, muối công nghiệp 136.000 tấn, muối tồn trong dân hơn 45.000 tấn.

Giá tiêu thụ từ đầu năm đến 15/6, muối trong dân từ 200.000 - 400.000 đồng/tấn, muối công nghiệp từ 550.000 - 700.000 đồng/tấn. Đến ngày 15/7, muối công nghiệp dù được giữ giá 700.000 đồng/tấn, nhưng vẫn giảm 50.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, muối trong dân bán giá 400.000 đồng/tấn, cũng giảm 100.000 đồng/tấn so cùng kỳ năm trước.

Việc triển khai thu mua muối chậm thực hiện, khiến giá muối chưa được bình ổn. Ảnh: TTXVN

Ông Trương Văn Luông, ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải cho biết, gia đình làm được 20 tấn muối, nhưng hiện giờ chỉ bán được hơn 2 tấn, còn khoảng 18 tấn muối tồn. Giá muối quá thấp, nếu bán không đủ chi phí tiền công.

Còn ông Cù Thanh Huy ở thôn Khánh Tường, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải bộc bạch, gia đình ông có 6,5 sào muối, nhờ nắng nóng mỗi vụ thu hoạch được 7 tấn. Muối nhiều, nhưng sân bãi hạn hẹp không có chỗ chứa nên buộc phải bán để có tiền xoay xở cuộc sống gia đình.

Do giá muối quá thấp nên thu nhập nhiều lúc không đủ chi trả tiền công, điện, nước. Nếu muốn có lãi thì giá muối bán ra phải đạt được 700 đồng/kg. Ông mong muốn các ngành, các cấp có giải pháp ổn định giá muối để diêm dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Để giải quyết khó khăn cho người sản xuất muối, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân, bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên mua tạm trữ tại nơi có muối tồn đọng lớn.

Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và đảm bảo mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường giúp cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi. Vinafood 1 tự chịu trách nhiệm về tiêu thụ, hiệu quả kinh doanh và có trách nhiệm hoàn trả lại nguồn vốn nhà nước sau khi tiêu thụ xong lượng muối tạm trữ.

Tuy nhiên đến giữa tháng 7/2016, đơn vị có trách nhiệm thu mua muối tạm trữ mới cùng các đơn vị, địa phương tiến hành họp và thông báo phương án thu mua muối, khảo sát lượng muối tồn đọng, lên kế hoạch, chọn địa điểm tập kết, lao động bốc xếp muối...

Trong khi đó, lượng muối trong dân còn lại không nhiều, đầu ra rộng mở, nhờ vào vụ Nam đàn cá nổi xuất hiện dày, các cơ sở sản xuất mắm cần mua nhiều muối làm từ nền đất tại Ninh Thuận để ướp cá.

Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên muối Việt Nam nói: "Sau khi có quyết định của Bộ cũng như của Tổng Công ty, công ty đã triển khai thu mua tại Ninh Thuận; tiến hành họp và thông báo phương án thu mua muối với UBND huyện Ninh Hải.

Sau khi kết thúc họp với UBND huyện, công ty sẽ tổ chức khảo sát ngay và triển khai thu mua đợt 1, tức từ nay đến 30/9. Sau kết thúc thu mua đợt 1, sẽ báo cáo lên Tổng Công ty, báo cáo lên Bộ xin ý kiến chủ trương tiếp, nếu được mua tiếp giai đoạn 2 thì tiếp tục thu mua, trên tinh thần diêm dân còn muối công ty còn mua."

Ông Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết, huyện đã chủ động đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ để chỉ đạo tiêu thụ muối tạm trữ. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã vào làm việc với UBND huyện Ninh Hải;

Thống nhất phương án thu mua muối của diêm dân theo giá thị trường, với mục tiêu là đảm bảo việc bình ổn giá và giá có lợi cho dân. UBND huyện cũng tạo điều kiện cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc về địa điểm, kho bãi tập kết muối.

Ông Hải cho biết thêm, trên địa bàn của huyện có tổng diện tích khoảng 650 ha (muối của diêm dân Ninh Thuận tập trung tại huyện Ninh Hải). Hiện nay, lượng muối tồn của diêm dân cũng như các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất còn khoảng 45.000 tấn.

Thời gian vừa qua nắng tốt nên sản xuất muối thuận lợi, năng suất sản lượng đều tăng, nhưng giá đầu năm quá thấp. Hiện nay, giá có khá hơn, nhưng muối đất nền chỉ dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/tấn, giá muối trải bạt thì khoảng từ 450.000-500.000 đồng/tấn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu, việc mua muối cho diêm dân cần chọn thời điểm nắng nóng - nhất là sau Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi cho việc sản xuất muối tại Ninh Thuận.

Trong thời điểm này, năng xuất, sản lượng muối đều tăng, giá cả lại giảm, khó tiêu thụ, trong khi diêm dân cần tiêu thụ muối để có thu nhập tái sản xuất và chi phí sinh hoạt gia đình. Qua đó góp phần bình ổn giá, tạo điều kiện cho diêm dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục