Sẽ có phương án thu mua tạm trữ muối tới từng địa phương

15:28' - 01/07/2016
BNEWS Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc thu mua tạm trữ muối 2016, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã cử các đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm về muối để khảo sát về lượng muối tồn đọng.
Sẽ có phương án thu mua tạm trữ muối tới từng địa phương. Ảnh: TTXVN
Theo bà Cao Thị Hạnh, Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý vốn, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thu mua tạm trữ muối 2016, Tổng Công ty đã cử các đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm về muối như Bến Tre, Tp. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu và Ninh Thuận để khảo sát, tìm hiểu về lượng muối tồn đọng tại địa phương. Sau đó sẽ lập phương án thu mua cụ thể của từng địa phương và tổ chức triển khai. Tổng Công ty cũng giao đầu mối thực hiện thu mua tạm trữ muối là Công ty Muối Việt Nam. 

Bà Cao Thị Hạnh cho biết, hiện tại các đoàn công tác đang khảo sát tại các địa phương. Dự kiến, một vài ngày tới các đoàn công tác sẽ có báo cáo với Tổng Công ty. Việc thu mua tạm trữ trước hết sẽ được triển khai ở những địa phương trọng điểm có lượng tồn kho cao. Giá thu mua sẽ theo giá mặt bằng thị trường, sản lượng cụ thể. Cách thức thu mua là sẽ làm việc với địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xuống từng huyện, xã thông báo trên phương tiện truyền thông cụ thể tới diêm dân. 

Việc thu mua tạm trữ muối nhằm góp phần bình ổn giá muối trên thị trường, tiêu thụ cho dân và kích cầu thị trường, dẫn dắt giá muối thị trường đi lên, giúp người dân sản xuất muối tiêu thụ tốt với giá có lợi. Đối tượng thu mua là muối do diêm dân, hợp tác xã, tổ hợp tác muối sản xuất ra để thúc đẩy tiêu thụ muối tại địa phương. 

“Dân còn bán, doanh nghiệp còn mua. Việc thu mua tạm trữ sẽ thực hiện đến thời điểm giá thị trường có xu hướng nhích lên để người dân có thể dễ dàng tiêu thụ và có lợi nhuận”, bà Cao Thị Hạnh nói. 

Thực hiện triển khai thu mua tạm trữ muối năm nay, bà Cao Thị Hạnh cho hay, Tổng công ty cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Thứ nhất là Tổng Công ty chuyên về lương thực, hệ thống lương thực thành viên nhiều nhưng thành viên muối rất ít. Hầu hết các công ty thành viên đã thoái vốn và cổ phần hóa. Khó khăn thứ hai là vốn không phải là vốn ngân sách mà là vốn của Tổng Công ty, nên cũng phải giao cho đơn vị thuộc sở hữu của Tổng Công ty. 

Ngoài ra, việc triển khai thu mua tạm trữ còn có khó khăn về kho chứa muối. Năm nay, lượng muối tồn dư trọng điểm ở các tỉnh phía Nam, Nam Trung bộ. Ở những khu vực này Tổng Công ty lại không có kho chứa muối nên gây khó trong việc tìm điểm tạm trữ, đặc biệt là ở Bến Tre. “Giá muối không biến động nhiều nhưng nếu phải tạm trữ lâu thì chí phí sẽ cao”, bà Cao Thị Hạnh cho hay. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 20/6, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.797 ha. Sản lượng muối 6 tháng đầu nay đạt khoảng 995.460 tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ 2015; trong đó, muối sản xuất thủ công đạt 765.036 tấn, muối sản xuất công nghiệp đạt 230.424 tấn. 

Lượng muối tồn trong diêm dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến khoảng 851.725 tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ 2015; trong đó, tồn trong diêm dân là 492.700 tấn. 

Do thời tiết khô hạn, lượng muối tồn chờ tiêu thụ trong vụ sản xuất lớn nên giá muối thấp. Cụ thể, miền Bắc từ 900 - 1.600 đồng/kg; miền Trung muối thủ công từ 300 - 550 đồng/kg, muối công nghiệp từ 500 - 700 đồng/kg; Nam bộ từ 220 - 550 đồng/kg./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục