Thu phí không dừng: Vì sao nhà đầu tư chậm trễ

14:30' - 21/05/2017
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải đã có lộ trình áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và đồng thời kiểm soát được mức phí qua mỗi trạm.

Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 năm triển khai công nghệ thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này ?

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng thu phí không dừng trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên từ cuối năm 2015. Đến nay, dự án đã chậm hơn một năm so với kế hoạch.

Để đẩy nhanh kế hoạch, tại một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã chốt thời gian 30/4/2017 tất cả 28 nhà đầu tư phải hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ thu phí không dừng và 30/6/2017 phải vận hành thử nghiệm tại các trạm thu phí và phấn đấu đến hết năm 2017 phải hoàn thành xong việc lắp đặt ít nhất mỗi trạm 1-2 làn thu phí không dừng.

Trạm thu phí BOT Tasco trong ngày đưa vào thử nghiệm công nghệ thu phí không dừng. Ảnh: Quang Toàn-TTXVN

Mốc thời gian Bộ Giao thông Vận tải đã chốt như vậy, tuy nhiên theo ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VETC (TASCO) - nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí không dừng, đến thời điểm này mới chỉ có 6/28 trạm BOT vận hành thương mại công nghệ thu phí không dừng. Dự kiến trong tháng 5 sẽ có thêm 1 trạm và trong tháng 6 sẽ có thêm 3 trạm đưa công nghệ thu phí không dừng vào vận hành thương mại.

Về phía nhà đầu tư và vận hành hệ thống ETC, ông Vũ Quang Lâm cho biết, đến thời điểm này về thủ pháp lý VETC đã hoàn thành xong tất cả các thủ tục với Bộ Giao thông Vận tải như hoàn thành hồ sơ thiết kế, hồ sơ phê duyệt, giấy phép đầu tư …Về hệ thống chính (core) như trung tâm dữ liệu hay phần mềm trung tâm … VETC cũng đã triển khai xong.

“Đối với việc ký hợp đồng dịch vụ với các nhà đầu tư, hiện VETC đã ký hợp đồng được với 6 nhà đầu tư trên tổng số 28 nhà đầu tư. Điểm sáng là ngày 15/5 vừa qua nhà đầu tư Toàn Mỹ 14 đã bàn giao toàn bộ việc vận hành trạm thu phí Đắk Nông (trên đường Hồ Chí Minh cho VETC để vận hành, khi đó nhà đầu tư sẽ cùng với VETC thực hiện việc giám sát quá trình vận hành trạm thu phí này.

Đây được coi là một động thái rất tích cực của nhà đầu tư BOT này và hy vọng các nhà đầu tư khác cũng có động thái tương tự để đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ thu phí không dừng đúng kết hoạch”, ông Lâm chia sẻ.

Như vậy, với kết quả mà VETC thông tin thì còn rất nhiều nhà đầu tư chậm trễ triển khai công nghệ thu phí không dừng. Mặc dù thời gian vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hàng chục cuộc họp kiểm điểm tiến độ và mỗi cuộc họp các mốc tiến độ lại phải lùi lại.

Ông Lâm cho hay, nhiều nhà đầu tư VETC đã liên hệ đặt lịch làm việc nhiều lần nhưng chưa thể đàm phán được ví dụ như nhà đầu tư BOT dự án Phước Tượng – Phú Gia (tại Thừa Thiên Huế), nhà đầu tư BOT dự án Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp...

Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều lý do mà các nhà đầu tư BOT đưa ra để trì hoãn hay chậm trễ áp dụng, như việc chỉ có một nhà cung cấp giải pháp sẽ dẫn đến độc quyền, hay cần nhiều công nghệ để cạnh tranh, thậm chí là không thuận theo mức phí quản lý mà bộ chủ quản đưa ra.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Đình Lợi , Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp (chủ đầu tư dự án Quốc lộ 1 Cần Thơ – Phụng Hiệp) cho hay, “Chúng tôi chưa ký hợp đồng với VETC vì nhiều lý do, đây là một đàm phán ép buộc.

Theo tính toán 28 trạm thu phí ít nhất mỗi nhà đầu tư đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng trên mỗi dự án, trong khi đó VETC mới bỏ ra có 14-15 tỷ đồng để đầu tư mà đòi thu phí 8% trên tổng doanh thu. Trong khi đó Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho nhà đầu tư thu 4% trên tổng doanh số để quản lý chi phí. Mặc khác, dịch vụ của VETC là độc quyền nên chúng tôi cương quyết không đàm phán”.

Theo ông Nguyễn VănThanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nguyên nhân cơ bản là các nhà BOT không muốn công khai minh bạch trong nguồn thu, bởi qua kiểm soát chặt chẽ mới thấy nhiều trạm thu phí thời gian vừa qua có nhiều sai sót, cụ thể là mà phần lớn các trạm thu phí khi bị giám sát thì mức thu lại tăng lên.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia Giao thông đô thị cho rằng, phải lấy việc phục vụ nhân dân lên hàng đầu. Do vậy, cần có những giải pháp để yêu cầu các nhà đầu tư BOT thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, “nếu các nhà đầu tư vẫn chây ỳ thì chúng tôi sẽ áp dụng mức cao nhất được quy định là dừng cho thu phí và tổ chức các hình thức thu phí mới đề phù hợp với quy định hiện hành”.

Đại diện Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, nếu nhà đầu tư BOT hợp tác bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí cho nhà đầu tư thu phí không dừng sẽ giảm được chi phí, không còn tình trạng một trạm thu phí có tới hai đơn vị quản lý, gây tốn kém, khó kiểm soát doanh thu.

Trong danh mục 28 trạm Thủ tướng đã phê duyệt, cần có chế tài, trên cơ sở đó Tổng cục sẽ kiên quyết xử lý nhà đầu tư BOT, sẽ cho dừng thu phí nếu không hợp tác.

Dự án thu phí tự động không dừng đ ược chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Có 28 trạm thu phí (không bao gồm 9 trạm do VietinBank cung cấp tín dụng), nhà đầu tư thực hiện dự án là liên doanh Công ty CP TASCO và Công ty CP VETC. Trong đó, dự kiến từ 2016 - 2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1 - 2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.

Công ty cổ phần VETC được Bộ Giao thông Vận tải chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO. Nhà đầu tư được phép thu hồi vốn theo thời gian thu phí các dự án BOT./.
Xem thêm:

>>Vì sao chậm trễ triển khai thu phí theo hình thức không dừng?

>>Sắp có trạm thu phí không dừng tại Đà Nẵng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục