Thử thách mới với hệ thống điện – Bài 2: Xây dựng Đường dây 500kV mạch 2

16:15' - 10/05/2018
BNEWS Nếu mạch 2 đường dây 500kV của các đoạn đường dây trên đưa vào vận hành trong năm 2004 - 2005 thì khi có sự cố một mạch đường dây, hai hệ thống điện Bắc - Nam vẫn được liên kết qua mạch còn lại.

Tổ máy 2 Thủy điện Trung Sơn. Ảnh: Phương Anh/BNEWS/TTXVN

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công suất truyền tải trên các đoạn đường dây 500kV Phú Lâm - Pleiku, Pleiku - Đà Nẵng rất lớn, nếu mạch 2 đường dây 500kV của các đoạn đường dây trên đưa vào vận hành trong năm 2004 - 2005, thì khi có sự cố một mạch đường dây, hai hệ thống điện Bắc - Nam vẫn được liên kết qua mạch còn lại. 

Còn đối với đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh, trong trường hợp có sự cố hay sửa chữa đường dây, nếu không có mạch 2, hệ thống điện miền Bắc sẽ phải sa thải một lượng công suất từ 1.150MW đến 1.300MW (gần gấp đôi công suất Nhà máy Thủy điện Ialy) và phụ tải cần sa thải chiếm tới 30-34% công suất hệ thống điện miền Bắc. 

Do vậy, việc xây dựng Đường dây 500kV mạch 2 sẽ mang lại những hiệu quả cao hơn và xác đáng hơn về mặt kỹ thuật, do công suất không bị tập trung về điểm nút Hòa Bình, không gây quá tải các xuất tuyến đường dây 220kV từ Hòa Bình. Đường dây 500kV mạch 2 sẽ phân bố trực tiếp phần lớn công suất về phía Nam từ hệ thống điện miền Bắc.

Khác với hệ thống Đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng thành một dự án, thì Đường dây 500kV mạch 2, được chia thành 4 dự án độc lập: Pleiku - Phú Lâm (đóng điện và đưa vào vận hành ngày 19/4/2004), Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng (đóng điện và đưa vào vận hành ngày 30/8/2004, vượt tiến độ 4 tháng), Đà Nẵng - Hà Tĩnh (đóng điện và đưa vào vận hành ngày 23/5/2004, vượt tiến độ hơn 1 tháng) và Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín (đóng điện và đưa vào vận hành 23/9/2005, vượt tiến độ hơn 3 tháng). Việc đóng điện vận hành với những thời điểm khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả trong khai thác vận hành. 

Cùng với việc xây dựng Đường dây 500kV mạch 2 từ Phú Lâm ra Thường Tín, EVN cũng đã mở rộng 4 trạm biến áp 500kV cho các ngăn lộ đi và đến tại các trạm biến áp 500kV Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng và Hà Tĩnh; xây mới hai trạm 500kV là Thường Tín và Nho Quan với công suất mỗi trạm đạt 900MVA. Các công trình trạm biến áp được áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới với hệ thống điều khiển bằng máy tính và hệ thống rơ-le kỹ thuật số hiện đại nhất thế giới.

Sửa chữa nóng đường dây 500kV. Ảnh: TTXVN

Điều đáng nói là hầu hết các vật tư, thiết bị như: cột thép, dây nhôm, sứ, dây chống sét phục vụ cho công trình mạch 2 đường dây 500kV được sản xuất trong nước với trình độ công nghệ cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã tạo nên một “bất ngờ Việt Nam” đối với các chuyên gia nước ngoài. Nếu như Đường dây 500kV mạch 1 có đến hơn 70% cột thép, dây, sứ, phụ kiện là nhập của nước ngoài, thì khi xây dựng đường dây mạch 2, chỉ phải nhập khẩu cáp quang, sứ cách điện và thiết bị trạm biến áp.

Tiếp nối kỳ tích mạch 1, ngày 23/9/2005, ngày kết thúc cung đoạn Hà Tĩnh - Thường Tín, cũng là mốc son hoàn thành đường dây 500kV mạch 2. Từ thời điểm này, lưới điện ba miền Bắc - Trung - Nam được nối với nhau bằng 2 đường dây 500kV với tổng chiều dài gần 3.500 km và một loạt hệ thống đường dây 220kV khác. Tất cả tạo nên mạng lưới cơ sở vững chắc cho việc cung cấp điện chất lượng và ổn định. 

Đây cũng là công trình do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu, khẳng định đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Có thể nói, chúng ta đã tạo nên “bất ngờ Việt Nam” trong mắt bạn bè quốc tế và sự tự chủ trong xây dựng Đường dây 500kV mạch 2, một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam, tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng đối với ngành điện nói chung và ngành truyền tải điện nói riêng.

Thực tế xây dựng hệ thống Đường dây 500kV hai mạch đã khẳng định thực tế, ngành Điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành tựu quan trọng và căn bản nhất của ngành điện là đã luôn giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo trong đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và xã hội, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhiều năm liên tục./.

Bài 3: Thêm cuộc “thử lửa”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục