Thử thách mới với hệ thống điện – Bài 1: Xuất hiện khả năng thiếu điện lớn ở miền Bắc

14:13' - 10/05/2018
BNEWS Sự tăng tốc của nền kinh tế một lần nữa đặt hệ thống điện vào một thử thách mới.

Nâng công suất Trạm biến áp 220kV Huế. Ảnh: TTXVN

Từ cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu tiếp quản từ tay người Pháp, sau 55 năm chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển, ngành Điện Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đủ sức gánh vác vai trò là đòn bẩy cho nền kinh tế đất nước. 

Đúng như vậy, từ chỗ chỉ có 31MW công suất nguồn điện, chủ yếu gồm các nhà máy điện nhỏ, sản lượng 53 triệu kWh vào năm 1954 ở miền Bắc, đến cuối năm 2008, công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia là 15.748MW, sản lượng điện sản xuất đạt hơn 74,2 tỷ kWh. Từ các cụm nhà máy - đường dây hoạt động độc lập theo từng khu vực, hệ thống điện quốc gia là một thể thống nhất. Các đường dây và trạm biến áp truyền tải và phân phối trải khắp các miền của đất nước; trong đó trục xương sống là hệ thống tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam.

Tuy nhiên, giai đoạn những năm 1996 - 2000, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển quan trọng của thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực cùng thiên tai nghiêm trọng xảy ra liên tiếp đặt nền kinh tế nước ta trước những thử thách. Tuy nhiên, giai đoạn này, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 7%/năm. Đến giai đoạn 2000 - 2005, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, GDP bình quân mỗi năm đạt 7,5%. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng đạt 8,4%, GDP theo giá hiện hành, đạt 838 nghìn tỷ đồng, bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng, tương đương với 640 USD.

Sự tăng tốc của nền kinh tế một lần nữa đặt hệ thống điện vào một thử thách mới. Theo quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét đến triển vọng đến năm 2020 (QHĐ V và QHĐ V điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tốc độ tăng trưởng phụ tải dự kiến là 15% cho giai đoạn 2001 - 2005 và 13% giai đoạn 2006 - 2010, nhu cầu phụ tải  năm 2005 là 48,5-53 tỷ kWh, năm 2010 là 88,5-93 tỷ kWh. 

Cùng với các nhà máy tuabin khí Bà Rịa, Phú Mỹ, Cà Mau, Nhơn Trạch tiếp tục vận hành dẫn đến chiều truyền tải đường dây 500kV  thay đổi từ Nam ra Bắc trong giai đoạn 2004 - 2010. Tại thời điểm trình Chính phủ phê duyệt hiệu chỉnh TSĐ V, sau khi phân tích tình hình đầu tư một số công trình nguồn ở miền Bắc sẽ bị chậm so với tốc độ phụ tải đang tăng quá nhanh trong khu vực, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đã được nhận thấy là sẽ xuất hiện khả năng thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội trong giai đoạn 2005 - 2008.  

Đường dây 220kV Châu Đốc-An Giang. Ảnh: TTXVN

Mặc dù Tập đoàn  Điện lực Việt Nam - EVN (lúc bấy giờ là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) và các ngành đang tập trung đầu tư hoàn thiện giai đoạn mở rộng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Nhiệt điện Na Dương ở Lạng Sơn, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Ninh Bình mở rộng… nhưng khả năng hoàn thành, đưa vào vận hành các nhà máy điện trên trước năm 2005 được khẳng định là không thể, do cần nguồn vốn quá lớn cũng như hạn chế về thời gian. 

Vì vậy, để cứu vãn tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở khu vực miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội, EVN đã chọn một phương án khả thi nhất để trình Chính phủ phê duyệt. Đó là xây dựng Đường dây 500kV Pleiku - Thường Tín. Phương án này đã được Chính phủ  cho phép xây dựng đường dây 500kV mạch 2 từ Phú Lâm đến Thường Tín. 

Theo đó, công trình mạch 2 Đường dây 500kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.596,3 km và đi qua 21 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam và Hà Tây. Vấn đề đặt ra là vì sao cần phải đầu tư tới hơn 8.000 tỷ đồng để đầu tư mạch 2; trong đó, đường dây Pleiku - Phú Lâm sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), các đường dây còn lại (từ Pleiku đến Thường Tín) sử dụng vốn của EVN và vốn vay tín dụng trong nước.

Câu trả lời đó là giải pháp cùng lúc làm được hai điều: hóa giải nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc và tăng tính an toàn cho toàn hệ thống điện. Thực tế ở nước ta cho thấy, để cân bằng công suất và năng lượng từ năm 2004 - 2010, hệ thống điện miền Bắc luôn phải nhận một lượng công suất rất lớn, đặc biệt là vào mùa lũ./.

Bài 2: Xây dựng Đường dây 500kV mạch 2

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục