Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu đã cải thiện

19:51' - 14/01/2016
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tổng số thương nhân đầu mối kinh doanh xuất-nhập khẩu hiện nay là 23 và có 69 thương nhân phân phối xăng dầu.

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2014. Trong quá trình thực hiện Nghị định 83 đã giúp thị trường xăng dầu trong nước có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, kịp thời, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới…

Có 69 thương nhân phân phối xăng dầu ở thị trường trong nước. Ảnh: TTXVN

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có trao đổi với báo chí. 

*Phóng viên: Nghị định 83 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014. Thứ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của Nghị định sau hơn 1 năm thực hiện? 

*Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Với chu kỳ điều hànhgiá xăng dầu 15 ngày một lần theo quy định tại Nghị định số 83, giá xăng dầu trong nước đã được điều hành sát cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Năm 2015 đã có 23 đợt điều hành giá xăng dầu, biên độ điều chỉnh giá không quá cao, số lần giảm giá. Theo đánh giá của Tổng cục thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm (năm 2015 giảm 24,77%), kéo theo chỉ số giá của một số nhóm hàng giảm, góp phần giảm CPI chung của cả nước. 

Nội dung điều hành kinh doanh xăng dầu năm 2015 đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đăng công khai, minh bạch trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để người dân, doanh nghiệp tìm hiểu, theo dõi và giám sát. 

Tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước năm 2015 cũng đã được cải thiện. Tổng số thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu hiện nay là 23 thì năm 2015 là năm đầu tiêu đánh dấu việc hình thành các thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; cho đến nay đã có 69 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu trong nước, cạnh tranh lẫn nhau, qua đó giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng được lựa chọn mua xăng dầu với mức giá phù hợp. 

Ước tính xăng dầu tiêu thụ trong nước năm 2015 đạt khoảng 17-17,5 triệu m3/tấn các loại, tăng khoảng 12-15% so với năm 2014. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước đã được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, không xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu trong bất kỳ thời điểm nào. 

*Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trong quá trình thực hiện vừa qua, Nghị định số 83 đã bộc lộ nhược điểm, vướng mắc gì và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới? 

*Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Như chúng ta đã biết, thời gian thực hiện Nghị định số 83 mới được 14 tháng. Do vậy, cần thêm thời gian vận hành để có thực tiễn đúc kết, qua đó phát hiện chính xác, chỉnh sửa những nhược điểm, vướng mắc (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong Quí I/2016, Liên Bộ sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83 với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, hiệp hội…

Sau hội nghị sẽ có tổng hợp, đề xuất (nếu có) báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Mọi đề xuất, thay đổi (nếu có) phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam (phù hợp với năng lực thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng…). 

*Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc phối hợp trong công tác điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính trong thời gian qua? 

*Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Công tác phối hợp điều hành giá xăng dầu giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong năm 2015 được phản ánh rõ tại những kết quả đạt được như đánh giá ở trên. Kết quả này cũng được Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước ghi nhận, đánh giá tích cực. 

Bước sang năm 2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị… liên quan để đảm bảo điều hành kinh doanh xăng dầu hiệu quả, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. 

Tính cạnh tranh trên thị trường này đã tăng sau khi thực hiện Nghị định 83. Ảnh minh họa: Huy Hùng-TTXVN

*Phóng viên: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. 

*Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, có hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, hiện nay, chiếm khoảng 46-50% thị phần xăng dầu tiêu thụ nội địa cả nước. Nguồn cung xăng dầu phục vụ tiêu thụ trong nước luôn được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chú trọng, đảm bảo, kể cả trong những tình huống khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước…

Đặc biệt, Tập đoàn còn phải thực hiện những nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo xăng dầu cho những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… Vai trò chủ đạo, trách nhiệm của một Tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thể hiện rõ hơn thông qua sự hiện diện và gần như là doanh nghiệp đầu mối duy nhất hiện nay cung ứng xăng dầu, phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu người dân, doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn này. 

Đối với việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thực hiện nhiều nội dung, trong đó có việc đăng lên trang thông tin điện tử của Tập đoàn các thông tin về giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, báo cáo tài chính, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục