Tuyên chiến với hành vi gian lận xăng dầu “móc túi” khách hàng

20:26' - 26/11/2015
BNEWS Khoảng từ tháng 6 đến tháng 8/2015, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Đồng Nai đã phát hiện 61 trạm xăng vi phạm gian lận và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6,4 tỷ đồng.

Khoảng từ tháng 6 đến tháng 8/2015, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Đồng Nai sử dụng biện pháp bí mật theo dõi và kiểm tra bất ngờ các trạm xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và phát hiện hàng chục trụ bơm gian lận, móc túi người tiêu dùng.

Trong khoảng thời gian trên, Chi cục đã phát hiện 61 trạm xăng vi phạm gian lận và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai có văn bản phản ứng phương pháp kiểm tra trên của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng là không phù hợp.

* Tuyên chiến với hành vi gian lận xăng dầu

Để có thể phát hiện được các hành vi sử dụng công nghệ cao trong kinh doanh xăng dầu ở các trạm xăng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Đồng Nai đã phải mật phục, theo dõi, thậm chí đóng giả khách du lịch, khách bơm xăng trong nhiều ngày để bắt quả tang.

Phương thức là sau quá trình theo dõi khi phát hiện trạm xăng có dấu hiệu gian lận về đo lường khi bán xăng cho khách, các cán bộ nghiệp vụ của Chi cục sẽ đóng giả khách bơm xăng và tiếp cận các trụ bơm yêu cầu ngừng bán để kiểm tra.

Với phương pháp này, chủ nhiều cửa hàng xăng dầu đã không kịp trở tay để điều khiển hệ thống chíp điện tử trả về số lượng thực. Phương pháp này đã “vạch mặt” hành vi gian lận, móc túi người tiêu dùng của 61 trạm xăng.

Đoàn kiểm tra liên ngành niêm phong cây xăng vi phạm. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc quyết liệt “tuyên chiến” với hành vi gian lận xăng dầu của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Đồng Nai đã phần nào chấn chỉnh tình trạng gian lận của các trạm xăng.

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KHCN Đồng Nai cho biết, trước sự quyết liệt trong kiểm tra, xử phạt của Sở, hiện đã có trên 400 trạm bơm xăng dầu ở Đồng Nai đã có văn bản xin sửa chữa và kiểm định lại các trụ bơm.

Trước tình trạng trên, ngày 4/8/2015 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản 6106 về ngăn chặn hành vi gian lận đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

Nội dung của văn bản này nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý gian lận trong kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp kiểm tra, xử lý ngăn chặn hành vi gian lận trong đo lường và chất lượng xăng dầu.

Đáng chú ý, văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Các đoàn thanh, kiểm tra phải tăng cường tiến hành kiểm tra đột xuất, bí mật và bất ngờ vào bất cứ thời gian nào khi có nghi ngờ gian lận hoặc khiếu nại tố cáo của người tiêu dùng.

Các đoàn thanh, kiểm tra này được yêu cầu doanh nghiệp không được tiếp cận, tác động vào các cột đo xăng dầu và các cầu dao, thiết bị đóng ngắt nguồn điện trong quá trình thanh kiểm tra; được quyền niêm phong, tạm giữ các mạch điều khiển và IC chương trình có dấu hiệu gây ra hành vi gian lận về đo lường…

Tuy nhiên, khi văn bản trên của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành thì Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai đã phản ứng và cho rằng phải xem xét lại toàn bộ nội dung công văn 6101.

Hiệp hội này cũng phản ứng việc kiểm tra đột xuất của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Đồng Nai. Cho rằng kiểm tra mà không trình quyết định kiểm tra, cán bộ chia nhau giám sát hành vi của doanh nghiệp, yêu cầu ngưng bán hàng để kiểm tra là nặng nề”.

“Nhiều thương nhân không đồng tình với cách ứng xử nặng nề như vậy. Cá biệt, vẫn có những người cố ý gian lận, cần phải xử lý để đảm bảo sự công bằng.

Song không phải mọi cửa hàng kinh doanh đều gian lận để hình sự hóa hành vi kiểm tra”, văn bản của Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai nêu.

* Nhân rộng mô hình kiểm tra bí mật ra cả nước

Điều đáng nói, chính Sở Công thương Đồng Nai cũng phản ứng về nội dung văn bản 6106 của UBND tỉnh Đồng Nai.

Sở này cho rằng, nội dung tăng cường kiểm tra “đột xuất, bí mật và bất ngờ vào bất cứ thời gian nào khi có nghi ngờ gian lận” là “hoàn toàn không phù hợp”.

Sở này lý giải “việc nghi ngờ mang tính định tính, chủ quan không có chứng cứ, sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền, gây khó khăn và cản trở hoạt động bình thường cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”.

“Nếu chỉ nghi ngờ mà tiến hành kiểm tra vào ban đêm hay bất cứ lúc nào sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của những doanh nghiệp kinh doanh chân chính trong mắt người tiêu dùng”.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KHCN Đồng Nai lại cho rằng, “Theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ thì kiểm tra đặc thù là biện pháp nghiệp vụ kiểm tra có sử dụng thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng thực hiện lấy mẫu kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường”.

Việc Sở KHCN Đồng Nai tiến hành kiểm tra đặc thù đối với hành vi kinh doanh xăng dầu gian lận cũng được Thông tư 28 của Bộ KHCN quy định.

Mới đây trong công văn số 2528, ngày 15/7/2015 của Bộ KHCN đã yêu cầu lãnh đạo Sở KHCN các tỉnh, thành phố trong cả nước học tập, áp dụng kinh nghiệm việc tổ chức kiểm tra đặc thù về đo lường, chất lượng xăng dầu của Đồng Nai tại địa phương.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Sáng cho biết, một trong những nội dung quan trọng của kiểm tra đặc thù là trinh sát lấy mẫu, bí mật đo lường, thử nghiệm chất lượng và xác định rõ trạm kinh doanh có gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh.

Ông Sáng nói, việc làm này đã được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính đồng tình ủng hộ vì mang lại môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Theo ông Phạm Văn Sáng, mục đích của việc tăng cường công tác kiểm tra, quyết liệt xử lý những vi phạm về đo lường, kinh doanh xăng dầu là vì trách nhiệm với xã hội với người dân.

Ông Sáng cho hay, trong đợt kiểm tra vừa qua, bằng những giải pháp về công nghệ và giám định bằng tín hiệu dạng xung tại các chân IC được gắn trên mạch điều khiển của trụ bơm mới phát hiện được hành vi gian lận.

Có những doanh nghiệp bị phát hiện gian lận đến 14% so với giá trị thực khi bán xăng dầu cho người dân. Đây là hình thức móc túi người tiêu dùng bằng công nghệ cao.

Do đó, việc UBND tỉnh Đồng Nai ban hành “văn bản 6106 ngày 4/8/2015 là công cụ để xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán xăng gian “móc túi” người tiêu dùng”, ông Sáng nói./.

Sỹ Tuyên/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục