Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cảng quốc tế Cái Mép tiến tới mô hình chính quyền cảng

13:08' - 21/07/2017
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, làm việc với Cảng quốc tế Cái Mép, nằm trên địa bàn huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sáng 21/7/2017, tại tỉnh Bà Ria – Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Cảng Quốc tế Cái Mép. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Trước buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, làm việc với Cảng quốc tế Cái Mép, nằm trên địa bàn huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu – một trong số những cảng nước sâu tự nhiên có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới, có thể đón tàu lên đến 200.000 tấn ra vào Cảng.

Đơn vị quản lý và khai thác Cảng quốc tế Cái Mép là liên doanh giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminals – nhà khai thác cảng container hàng đầu thế giới của Đan Mạch. Cảng container Cái Mép (CMIT) có diện tích 48 héc-ta, cầu cảng dài 600 mét, công suất hơn 1,1 triệu TEU.

Với hệ thống cơ sở vật chất vận hành và khai thác cảng hiện đại, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Một số lợi thế của CMIT có thể kể đến như: nằm ở vị trí chỉ cách 15 hải lý đến với luồng tàu chính yếu; tiếp cận trực tiếp với luồng -14m, các tàu có thể tiếp cận với mớn nước lên đến 16m; độ sâu tối thiểu dọc cầu cảng đạt -16,5m. Vị trí xoay tàu rộng, an toàn và thuận lợi gần cảng.

Theo đơn vị quản lý, 6 tháng đầu năm 2017, CMIT đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu 12 triệu USD - là một trong những cảng tăng trưởng nhanh nhất trên bản đồ hàng hải quốc tế. Hiện nay, thường xuyên có khoảng 10 quốc gia có hàng hóa, tàu thuyền hoạt động tại CMIT như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

Đặc biệt, CMIT vừa tổ chức đón thành công chuyến tàu mẹ 18,000 TEU cập cảng. Đây là tàu container lớn nhất cập cảng Việt Nam từ trước đến nay và CMIT cũng trở thành 1 trong 19 cảng trên thế giới có thể đón được tàu cỡ này.

Với khả năng tiếp nhận làm hàng cho tàu mẹ kích cỡ siêu lớn, CMIT tiếp tục khẳng định chức năng của mình cũng như của cả cụm cảng Cái Mép mà Chính phủ đã đề ra; đồng thời chứng tỏ năng lực có thể trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực phục vụ cho hàng hoá khu vực Đông Nam Á, nhất là hàng hoá xuất nhập khẩu tuyến thương mại châu Á và Bắc Âu.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo CMIT kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư, nạo vét sâu hơn luồng lạch khu vực cầu cảng để có thể đón những tàu lớn hơn; đặc biệt, sớm đầu tư kết nối giao thông từ CMIT đến các vùng kinh tế trọng điểm để phát huy hiệu quả hơn thế mạnh của cảng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế phía Nam và cả nước.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động liên doanh CMIT, đặc biệt là việc tổ chức đón thành công tàu container mẹ gần 200.000 tấn vào cảng vừa qua.

Nhấn mạnh cảng biển, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, Thủ tướng mong muốn CMIT tiếp tục cố gắng nhiều hơn; nỗ lực để có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tựu kinh tế-xã hội của vùng và cả nước.

Khẳng định Chính phủ, chính quyền địa phương sẽ tiếp thu và nghiên cứu các kiến nghị nêu trên, Thủ tướng cũng đề nghị CMIT, Bộ Giao thông vận tải và chính quyền địa phương phối hợp giải quyết, đặc biệt là tiến tới mô hình chính quyền cảng, không ngừng đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa ra vào cảng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục