Đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải

19:23' - 31/05/2017
BNEWS Các đại biểu đều thống nhất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế, nếu không sớm phát huy sẽ mất đi lợi thế của cả quốc gia
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 31/5, tại Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai do đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để thống nhất phương án đầu tư tuyến đường vào cảng Phước An và cầu Phước An thuộc dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều thống nhất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế, nếu không sớm phát huy sẽ mất đi lợi thế của cả quốc gia, trong đó, tuyến đường liên cảng thông qua cầu Phước An nối sang tỉnh Đồng Nai là tuyến đường huyết mạch nâng cao hiệu quả của cụm cảng này.

Hoàn thành con đường thì lượng hàng hóa của tỉnh Đồng Nai và cả khu vực Đông Nam bộ xuất đi nước ngoài sẽ thuận tiện khi đưa về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, đồng thời, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 51.
Hiện tại, tuyến đường liên cảng đang gặp vướng mắc do 2 dự án cầu Phước An và đường dẫn vào cảng Phước An được 2 nhà đầu tư đề xuất theo hình thức BOT. Trong đó, dự án đường dẫn vào cảng Phước An (chiều dài hơn 5,7km) do nhà đầu tư Công ty cổ phần dầu khí đầu tư cảng Phước An thực hiện; dự án cầu Phước An do Liên danh Đức Bình – Tuấn Lộc – Cienco 1 thực hiện.

Do có 2 nhà đầu tư BOT cùng thực hiện trên tuyến đường, nên lãnh đạo 2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai đã đưa ra 2 phương án xử lý: thứ nhất, 2 nhà đầu tư cùng hợp tác, 2 nhà đầu tư cùng liên danh đóng góp đầu tư và phân chia lợi nhuận.

Thứ hai, nhà đầu tư đường dẫn vào cảng Phước An đầu tư tất cả tuyến đường, sau khi hoàn thành tổng chi phí bao nhiêu thì nhà đầu tư cầu Phước An hoàn trả và thực hiện quyền thu phí trên toàn tuyến.
Tuy vậy, cả 2 nhà đầu tư vẫn chưa chấp nhận thực hiện theo phương án mà 2 địa phương đã đưa ra. Đại diện nhà đầu tư đường dẫn vào cảng Phước An, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Công ty cổ phần dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An cho rằng, hiện nay dự án đầu tư giai đoạn 1 (tổng kinh phí đầu tư khoảng 942 tỷ đồng) của dự án cũng đã cơ bản, đã đền bù giải phóng mặt bằng.

Đơn vị muốn tiếp tục thực hiện xong dự án, khi hoàn thành thì chuyển nhượng lại con đường cho Liên doanh Đức Bình – Tuấn Lộc – Cienco 1. Nếu chuyển từ bây giờ thì phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc.

Tuy nhiên, ông Vũ Khắc Thư, Giám đốc điều hành Liên doanh Đức Bình – Tuấn Lộc – Cienco l cho biết đơn vị muốn tiếp nhận ngay phần còn lại của dự án vì lo ngại sau này giá cả có thể biến động.
Tại buổi làm việc lãnh đạo 2 tỉnh đã khẳng định việc đầu tư cầu Phước An để sớm liên thông đường liên cảng của Bà Rịa-Vũng Tàu sang tỉnh Đồng Nai và cả vùng Đông Nam bộ, giảm áp lực cho thành phố Hồ Chí Minh là rất cấp bách.

Lãnh đạo 2 tỉnh đã đề nghị 2 nhà đầu tư cần nhanh chóng thống nhất phương án để triển khai xây dựng cầu, nếu không sẽ chuyển sang tìm nhà đầu tư mới.
Cầu Phước An sẽ được xây theo thiết kế cầu bê tông vĩnh cửu, khẩu độ thông thuyền 180m, quy mô 6 làn xe cơ giới, chiều dài cầu 3.690m với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng. Cầu được xây dựng theo phương án BOT, thời hạn thu phí dưới 25 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục