Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt - Nga: Một tầm nhìn mới

20:43' - 11/04/2018
BNEWS Ngày 11/4, phiên họp toàn thể "Hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực kinh tế thương mại: Chiến lược phát triển" cùng các hội thảo bàn tròn đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội.
Các doanh nghiệp hai nước trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Trong khuôn khổ diễn ra Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 28 (VIETNAMEXPO 2018) từ ngày 09-14/4 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/4 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội đã diễn ra phiên họp toàn thể "Hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực kinh tế thương mại: Chiến lược phát triển" cùng các hội thảo bàn tròn về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng; công nghệ thông tin và nền kinh tế số; xuất khẩu nông sản sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Đây được coi là chuỗi các sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Nga - Việt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư – kinh doanh trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tại sự kiện VIETNAMEXPO 2018, đại diện Liên bang Nga đã tham gia với tư cách là quốc gia khách mời danh dự.

Cùng chuỗi các hoạt động tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 28, phái đoàn Liên bang Nga có sự hiện diện của rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu của Nga trong một số lĩnh vực như công nghệ hàng không, máy móc ngành khai thác mỏ, hệ thống trong ngành đường sắt, cơ khí chính xác, thiết bị tự động hóa, công nghệ sinh học... Đây cũng chính là cơ hội có nhiều ý nghĩa để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, trao đổi và học hỏi các công nghệ tiên tiến của Nga.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ truyền thống lâu đời và hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác chiến lược duy nhất của Liên bang Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong chặng đường dài hơn một thập kỷ là đối tác chiến lược (kể từ năm 2001), kinh tế thương mại luôn là một điểm sáng trong tổng thể các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hợp tác kinh tế Việt - Nga ngày càng được tăng cường với bốn lĩnh vực trụ cột gồm thương mại, đầu tư, dầu khí và năng lượng điện. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, hình thức hợp tác, đầu tư cũng ngày càng đa dạng. Đặc biệt, tháng 10/2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) bắt đầu có hiệu lực đã góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương phát triển lên tầm cao mới.
Liên bang Nga là quốc gia có tiềm lực kinh tế, tài chính và công nghệ lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, năng lượng mới, khai khoáng, tự động hóa, sản xuất công nghiệp, công nghiệp môi trường, công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, Việt Nam có những lợi thế lớn về nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi.

Việt Nam cũng được đánh giá là nước có tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ổn định, an ninh được đảm bảo với triển vọng phát triển kinh tế bền vững theo cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Những thế mạnh của hai nước nếu được kết hợp chặt chẽ sẽ tạo ra những lợi ích to lớn góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ông Khương khẳng định.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động và đạt được nhiều thành tựu trong việc đổi mới nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế; đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào Việt Nam; trong đó, đặc biệt quan tâm tới các nhà đầu tư Nga.
Cùng với lợi thế là bề dày quan hệ và tính bổ sung mạnh mẽ về cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Việt Nam có cơ sở để khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến từ Liên bang Nga. Trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực như phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, cơ khí chế tạo, hóa dầu, hóa dược, công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm, thủy sản, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch....
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, phía VCCI cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Đại sứ quán, Cơ quan đại diện thương mại Nga, Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu Liên bang Nga tại Việt Nam cùng các tổ chức xúc tiến khác từ nhiều tỉnh, thành phố của Liên bang Nga để triển khai các hoạt động xúc tiến nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước; tạo cầu nối tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Nga nói riêng và các doanh nghiệp quốc tế nói chung vì sự phát triển và hợp tác lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp, ông Khương khẳng định.
Tại các cuộc hội thảo bàn tròn bàn về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong một số lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và xuất khẩu nông nghiệp có sự tham dự của đại diện Cơ quan chính sách công nghiệp Ủy ban kinh tế Á - Âu; các công ty lớn như Công ty cổ phần đại chúng, Công ty Cổ phần Đường sắt Nga Logistics, Công ty Cổ phần Tập đoàn chế tạo động cơ thống nhất, Công ty Alfa Robotics, Công ty Intelligent Security Systems, Công ty NtechLab, Công ty Head Point, Tập đoàn GOST, Công ty Cổ phần Trung tâm xuất khẩu Nga....

Nhiều bài tham luận của các diễn giả là những doanh nghiệp Nga, chuyên gia nghiên cứu hay phụ trách các lĩnh vực về kinh doanh, thị trường, công nghệ... đã thu hút sự chú ý, quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là nhiều khách hàng tham qua và mua sắm tại hội chợ triển lãm.
Những vấn đề được đặt nhiều câu hỏi như làm sao để khai thác hiệu quả thị trường nông sản; các công nghệ mới và ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong sản xuất liệu sẽ phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không; nền giáo dục, y tế của Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận với những thành tựu khoa học của thế giới như thế nào, có dễ dàng, thuận lợi hay gặp nhiều khó khăn không.... hay bằng cách nào thì hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga đạt được hiệu quả nhất.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục