Thực hiện "3 giảm 3 tăng" để tăng hiệu quả khuyến nông

20:17' - 31/12/2015
BNEWS Trung tâm khuyến nông quốc gia sẽ đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Phan Huy Thông Giám đốc TTKNQG, giai đoạn này Trung tâm sẽ đổi mới phương pháp tiếp cận; lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất hiệu quả nhất, nổi bật, có sức thuyết phục cao và có khả năng lan toả để chuyển giao.

Thực hiện "3 giảm 3 tăng" để tăng hiệu quả khuyến nông. Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN.

Chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật bao gồm cả phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, bất kỳ hoạt động khuyến nông nào cũng phải đảm bảo 3 yếu tố gồm: thúc đẩy sản xuất tăng trưởng; liên kết, hợp tác sản xuất và gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm mục tiêu tăng trưởng giá trị và tăng thu nhập.

Đặc biệt, TTKNQG sẽ tập trung vào các dự án: sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đáng chú ý, TTKNQG sẽ thực hiện “3 giảm 3 tăng” trong hoạt động khuyến nông (3 giảm: thủ tục hành chính, hình thức, đầu tư giàn trải. 3 tăng: chuyên nghiệp hoá, áp dụng công nghệ thông tin, tư vấn dịch vụ). Thực hiện “3 cần 3 không” đối với cán bộ khuyến nông; trong đó, 3 cần gồm: thạo nghề, nhiệt tình, ham học hỏi; 3 không: thụ động, quan liêu, trì trệ.

Ngoài ra, TTKNQG cũng hiện đại hoá các kênh thông tin khuyến nông gồm: điện thoại, internet, phát thanh, truyền hình... Đa dạng hoá nội dung khuyến nông: khoa học, chủ trương, chính sách, thời tiết, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại...

Năm 2015, TTKNQG đã có nhiều hoạt động nổi bật như đào tạo tập huấn, xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn từ trung ương đến địa phương đều hướng vào phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, các vùng, địa bàn trọng điểm, các ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản...

Đồng thời, tích cực triển khai các nhiệm vụ “nóng” như: phòng chống thiên tai, dịch bệnh, liên kết sản xuất, xúc tiến tiêu thụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập... Chú trọng khâu chọn điểm, chọn hộ thực hiện, theo dõi, tổng kết các nội dung tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và công tác quản lý thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân tích đánh giá kết quả để nhân rộng mô hình.

Tuy nhiên, ông Phan Huy Thông cũng chỉ ra những điểm yếu mà TTKNQG cần khắc phục như: năng lực của khuyến nông trẻ, đặc biệt là kiến thức thực tiễn, kỹ năng khuyến nông còn bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông; phần lớn cán bộ khuyến nông vẫn theo cách làm cũ, chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp; sự phối hợp hoạt động giữa trung ương và địa phương chưa chặt chẽ.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục