Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức

13:37' - 08/12/2015
BNEWS Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các xã đã tập trung cao phát triển cơ sở hạ tầng nhưng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp... chưa được quan tâm đúng mức.
Sáng 08/12/2015, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành tựu nổi bật nhất là phát triển cơ sở hạ tầng.

“Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều địa phương dành 70-75% kinh phí xây dựng nông thôn mới cho phát triển hạ tầng và hầu hết đóng góp của người dân cũng dành cho lĩnh vực này". - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.

Đến nay, cả nước có 36,4% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn; hệ thống giao thông đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; có 61,4% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 82,4% đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn.

Đặc biệt, để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, hầu hết các xã đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành bằng cách xây dựng mô hình và hỗ trợ nhân ra diện rộng. Cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả.

Nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi - chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiêu biểu là các tỉnh, thành phố Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…

Chính sách hỗ trợ dân mua máy cày, máy gặt, máy sấy đã được nhiều tỉnh triển khai mạnh mẽ, đưa tỷ lệ cơ giới hóa các khâu này tăng từ 40% - 50% lên 80% - 90% như Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp.

Cùng với việc tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, mô hình “cánh đồng lớn” được 43 tỉnh trong cả nước áp dụng. Đến nay, có khoảng 556.000 ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, các tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản cũng đã được thiết lập... Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Đến nay, cả nước đã có 56,5% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, 85,5% số xã đạt tiêu chí số 12 về việc làm. Hiện cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trung bình xã đạt 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010) về xây dựng nông thôn mới.

Đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai); Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (Tp. Hồ Chí Minh); Đông Triều (Quảng Ninh); Hải Hậu (Nam Định); Đơn Dương (Lâm Đồng); Đan Phượng (Hà Nội); thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, để phát triển kinh tế thị trường, tỉnh xác định doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác là các hình thức tổ chức sản xuất đóng vai trò quan trọng.

Hà Tĩnh quy định, để đạt chuẩn tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất phải có ít nhất 3 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác. Chính bởi vậy, mô hình sản xuất có liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông ngiệp, nông thôn sản xuất theo chuỗi giá trị tăng nhanh.

Bên cạnh nhưng thành tích, Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bấp cập như chưa đạt được mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí nông thôn mới như Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X đã đề ra (hiện mới đạt 14,5%).

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các xã đã tập trung cao phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nhưng về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, còn có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Chẳng hạn như ở Đông Nam bộ là 34%, Đồng bằng sông Hồng là 23,5% nhưng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%. Một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuê xoa.

Giai đoạn 2015-2020, Chương trình phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục