Thực phẩm sạch: Làm gì cho đáng “đồng tiền, bát gạo”?

15:17' - 22/09/2016
BNEWS Thực phẩm sạch luôn có giá cao hơn nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”, song để có sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo lại là “bài toán khó” đối với cả người mua lẫn người bán.

So với chợ truyền thống, rau củ quả, thịt cá trong các cửa hàng thực phẩm sạch có giá cao hơn nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Tuy nhiên, để có được sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo lại là “bài toán khó” đối với cả người mua lẫn người bán.

Giá cao vẫn “hút” hàng

Tại Hà Nội, hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch như như Hello Măm, Bác Tôm, Sói Biển, Clever Food, Tre Việt, Tâm Đạt… đều có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như VietGAP, Global GAP hay Organic. Tại đây, các thực phẩm sạch phục vụ cho bữa ăn gia đình rất phong phú với gần 300 sản phẩm các loại từ rau củ quả đến các loại thịt lợn, thịt gà, hải sản…

Theo khảo sát, các mặt hàng rau sạch có mức giá cao hơn thực phẩm tại các chợ khoảng 20%. Cụ thể, rau muống mua tại chợ có giá khoảng 16.000 đồng/kg, tại cửa hàng thực phẩm khoảng 20.000 đồng/kg. Rau ngót có giá 20.000 đồng/kg, trong khi rau ngót sạch có giá 25.000 đồng/kg, rau ngót hữu cơ có giá cao hơn, khoảng 40.000 đồng/kg …

Tương tự, các mặt hàng thịt cũng có giá cao hơn tại chợ khoảng 30 đến 50%, tiêu biểu như thịt ba chỉ sạch có giá 170.000 đồng/cân, thịt nạc vai có giá 195.000 đồng/kg, sườn non có giá 163.000 đồng/kg. Thịt bò có mức giá từ 285.000 đến 295.000 đồng/kg tuỳ loại, thịt gà có giá từ 200.000 đến 235.000 đồng/kg.

Khách mua hàng tại Cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Ngoài ra, các mặt hàng hải sản cũng thu hút các bà nội trợ với giá hợp lý, chỉ chênh lệch khoảng 20% so với giá tại chợ …

Tuy giá cao nhưng vào giờ cao điểm, dọc các tuyến phố lớn nhỏ tại Hà Nội như Kim Mã, Cầu Giấy, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chí Thanh, Hai Bà Trưng, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, Minh Khai… các cửa hàng thực phẩm không lúc nào ngớt khách ra vào mua hàng.

Có mặt tại cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng), chị Diệu Linh, nhà ở Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, khoảng 1 năm trở lại đây, gia đình chị có thói quen mua thức ăn hàng ngày tại các cửa hàng thực phẩm sạch.

“Báo đài ngày nào cũng đưa tin về thực phẩm bẩn, đầy chất bảo quản, thuốc sâu, hoá chất độc hại nên giờ thay vì đi chợ, tôi mua đồ ăn theo tuần, thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, bảo quản sạch sẽ, tôi cũng thấy yên tâm hơn”, vừa chọn đồ, chị Linh vừa nói.

Đồng quan điểm với chị Linh, gia đình bác Nhu (Lò Đúc, Hai Bà Trưng) cho biết, mỗi tháng, gia đình bác tiêu hết khoảng 4 đến 5 triệu tiền thức ăn. So với mua ở chợ thì đồ ăn ở đây đắt hơn nhưng bác quan tâm nhất đến sức khoẻ của mỗi người trong gia đình nên giá cả không thành vấn đề. “Hơn nữa, vào những dịp lễ Tết, gió mùa, mưa bão, giá rau thịt ở các cửa hàng này rất ít khi tăng giá nhưng ở chợ, giá phải đội lên gấp đôi, gấp 3 mà vẫn không có hàng để mua”, bác Nhu nói thêm.

Nhưng như gia đình nhà anh Bùi Đức Minh (Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân) thì lại khác. Anh Minh cho biết, gần nhà anh có 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nhưng vợ chồng anh hiếm khi mua, thường chỉ dùng các thực phẩm do chính bố mẹ anh ở quê gửi lên cũng bởi rau thịt được dán mác “sạch” cũng có lúc bị trà trộn hàng không đảm bảo chất lượng vào.

Giá cả phải đi kèm với chất lượng

Ngoài tâm lý nghi ngại, đắn đo khi không phân biệt được rau bẩn với rau sạch hay rau hữu cơ thì giá cả cũng là yếu tố tác động đến tâm lý của người mua khi giá thực phẩm sạch cũng như hữu cơ cao hơn hàng cùng loại tại các chợ truyền thống từ 20 đến 50%.

Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, các thương hiệu thực phẩm sạch liên tục đưa ra các chiến lược phát triển cũng như các chương trình ưu đãi, tặng quà thu hút sự quan tâm của các bà nội trợ.

Bên cạnh thực phẩm đảm bảo chất lượng, cửa hàng thực phẩm sạch Hello Măm (Láng Hạ, quận Ba Đình) còn cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách. Thực phẩm được đựng trong những chiếc hộp sạch sẽ, chỉn chu. Đặc biệt, nếu khách hàng không vừa ý với chất lượng sản phẩm sẽ được đổi lại ngay sản phẩm khác.

Ngoài rau sạch, khách hàng còn ưa chuộng rau hữu cơ mặc dù có giá khá cao. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Hello Măm còn có những “hộp” thực phẩm thông minh, có sẵn thực phẩm và gợi ý các món ăn, cách nấu món ăn cho 3 bữa. Thêm vào đó, cửa hàng còn phục vụ nhiều món ăn đã được chế biến sẵn, thực phẩm nấu cỗ, Tết hoặc lẩu cho những người bận rộn nhưng muốn đảm bảo được ăn đồ sạch.

Tương tự Hello Măm, hệ thống thực phẩm sạch Bác Tôm với 27 cửa hàng tại Hà Nội cũng được nhiều khách hàng lựa chọn. Hiện tại, mỗi ngày Bác Tôm tiêu thụ gần 7 tạ thịt lợn, 8 tạ rau và khoảng 6 tạ hoa quả.

Theo anh Nguyễn Quang Hưng, nhân viên Marketing của Bác Tôm, số lượng tiêu thụ thực phẩm an toàn và hữu cơ tại đây có xu hướng tăng đều bởi người mua đã có ý thức hơn về vấn nạn thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, để đảm bảo cung - cầu trên thị trường hiện nay, người mua và người bán đều gặp những khó khăn riêng.

“Khác với việc may mặc quần áo hay in ấn công nghiệp thì có khi cùng chung môi trường, phương thức canh tác và nuôi trồng nhưng mỗi sản phẩm nông nghiệp lại khác nhau. Do đó, đôi khi khách hàng còn không hài lòng hoặc phàn nàn về chất lượng sản phẩm”, anh Hưng chia sẻ.

Hơn nữa, mức giá cao do các chi phí sản xuất, canh tác cũng như vận chuyển, giám sát và bảo quản thực phẩm làm chi phí đội lên khiến nhiều người còn do dự khi rút “hầu bao”.

Chưa kể tới, một số doanh nghiệp hiện nay còn “lạm dụng” thương hiệu thực phẩm an toàn để kiếm lợi nhuận, đưa vào cả nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Do đó, để đảm bảo được chất lượng tương xứng với giá thành, hiện nay, một số chuỗi cửa hàng thực phẩm đang phát triển theo mô hình khép kín. Bên cạnh việc đầu tư phối hợp cung cấp với các nguồn nuôi trồng khác, hệ thống các cửa hàng như Clever Food, Hello Măm, Bác Tôm còn đầu tư hoàn toàn, tự tổ chức sản xuất 100% từ vốn đến công nghệ kỹ thuật và nhân sự.

Tại những thương hiệu uy tín, phương châm “bảo hành tới tận bàn ăn cho khách và vì lợi ích khách hàng” phải được đặt lên hàng đầu. Cũng theo đại diện của Bác Tôm, trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, việc luôn đảm bảo sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ là một điều kiện tiên quyết, đảm bảo mô hình kinh doanh bền vững.

“Trong cuộc chiến đấu tranh với vấn nạn thực phẩm bẩn, người tiêu dùng cũng nên là người nội trợ thông thái, lựa chọn được thực phẩm an toàn, phù hợp và đảm bảo sức khoẻ cho gia đình”, anh Hưng khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục