Thương hiệu Việt đi tìm chữ Tín: Bài 2 Chữ "Tín" và sự khác biệt

13:46' - 15/04/2016
BNEWS Để có được một thương hiệu mạnh phải nhờ vào chữ tín và cũng chính chữ tín làm nên thương hiệu. Tuy vậy, bên cạnh chữ tín, xây dựng thương hiệu cần tạo ra sự khác biệt mới có thể thành công.
Để có được một thương hiệu mạnh phải nhờ vào chữ tín. Ảnh minh họa: TTXVN

Chứ tín làm nên thương hiệu

Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để có được một thương hiệu mạnh phải nhờ vào chữ tín và cũng chính chữ tín làm nên thương hiệu. Tuy vậy, bên cạnh chữ tín, xây dựng thương hiệu cần tạo ra sự khác biệt mới có thể thành công.

Thương hiệu mạnh không phải là các logo đẹp mà là chứng chỉ cho những món hàng chất lượng tốt với mức giá cạnh tranh. Do đó, người tiêu dùng ghi nhớ được thương hiệu và thông điệp của sản phẩm thì doanh nghiệp phải có chiến lược định vị thương hiệu.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của doanh nghiệp vì nó có liên quan trực tiếp đến suy nghĩ và nhận định của người tiêu dùng. Qua đó đánh giá mức độ thành công và vị trí của doanh nghiệp trên thương trường.

Ông Bùi Huy Sơn cũng nhấn mạnh, khi một thương hiệu đã được khách hàng chấp nhận sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích đích thực dễ nhận thấy. Đó là khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng và sâu rộng hơn ngay cả khi đó là một chủng loại hàng hóa mới tạo ra cơ hội thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường đối với các thương hiệu mạnh.

Hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng có thể bán giá cao hơn so với các hàng hóa tương tự nhưng mang thương hiệu xa lạ. Ngoài ra, một thương hiệu mạnh sẽ giúp bán được nhiều hàng hơn nhờ tác dụng tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm của chính những người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu cho doanh nghiệp, trước tiên người lãnh đạo doanh nghiệp phải mạnh dạn thay đổi trong tư duy và kiên quyết trong thực hiện, đưa sản phẩm thâm nhập thị trường bằng các hình thức khác nhau.

Để thâm nhập thị trường đúng hướng, tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, việc nghiên cứu thị trường là vô cùng quan trọng.

Tạo vị thế riêng biệt

Từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tài chính - Marketing, Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần định vị thương hiệu để tạo ra vị thế riêng biệt của thương hiệu trong môi trường cạnh tranh.

Đó là điều kiện tiên quyết để bảo đảm bảo khách hàng mục tiêu có thể phân biệt được thương hiệu ấy với các thương hiệu cạnh tranh khác.

Phấn khởi khi chia sẻ những thành quả mà Hoa Sen đã gặt hái được trong lĩnh vực này, ông Vũ Văn Thanh bảy tỏ, khách hàng biết đến Hoa Sen thông qua hệ thống chi nhánh trải dài khắp cả nước tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và nhanh chóng đưa các sản phẩm đến với thị trường. 

Cùng với đó, bằng hành động trung thực, minh bạch, luôn công bố công khai các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm đối với khách hàng cũng như chấp hành 4 cam kết “chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh, dịch vụ hậu mãi tốt là lý do mà Hoa Sen luôn được người tiêu dùng tin tưởng.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cho hay, song song với việc xây dựng quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp cần nâng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm để không bao giờ đánh mất thương hiệu đã xây dựng.

Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành cùng tham gia xây dựng thương hiệu quốc gia để xây dựng được thương hiệu của cả một ngành hàng và qua đây sức mạnh sẽ lan tỏa rộng khắp hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Đưa ra một lời khuyên với doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến cáo: Với thị trường biến động nhanh và sức ép cạnh tranh lớn đòi hỏi khả năng thích ứng và linh hoạt như hiện nay thì mỗi sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng dù thành công đến đâu, đều có lúc sẽ lỗi thời.

Do đó, một doanh nghiệp sẽ vững mạnh nếu xây dựng được chiến lược thương hiệu thành công; trong đó, “khác biệt hoá” đóng vai trò chủ chốt và có ảnh hưởng rất sâu sắc tới vị trí của sản phẩm trong tâm trí những khách hàng tiềm năng cũng như hiện tại.

Việc tạo ra sự khác biệt đồng nghĩa với việc làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng và đây cũng là chìa khóa giúp doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu của chính mình.

"Tới đây, chương trình Thương hiệu Quốc gia sẽ sớm thiết lập một mô hình liên kết bằng việc thành lập tổ chức nghề nghiệp cho các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia, giúp xây dựng một cộng đồng cộng hưởng sức mạnh, chia sẻ nguồn lực, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển.

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nếu đứng một mình sẽ gặp nhiều thách thức. Kết hợp các thế mạnh khác nhau, liên kết với nhau sẽ giúp gây dựng nền tảng xây dựng thương hiệu tập thể, hiệu quả." - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định./.

Xem thêm:

>> Thương hiệu Việt đi tìm chữ Tín: Bài 1: Loay hoay bài toán thương hiệu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục