Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia: Đi từ thị trường trong nước

09:30' - 01/01/2016
BNEWS Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần tập trung cho thị trường nội địa trước bởi thị trường này tiêu thụ tới 30-40% lượng gạo sản xuất ra. Trước khi bước ra thế giới phải có thương hiệu trong nước.
Việt Nam đang gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo, tồn kho lớn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nếu như năm 2016 Việt Nam chưa có sản phẩm gạo để xây dựng thương hiệu thì gạo Việt Nam vẫn sẽ hướng đến thị trường dễ tính, không có giá trị gia tăng cao.

Vì vậy, gạo Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu để từ đó mở rộng cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đồng thời, thương hiệu quốc gia cũng sẽ có cơ hội thâm nhập vào những thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao.

Tuy mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo từ năm 2013, nhưng nhờ đi vào gạo chất lượng cao nên Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã lọt vào hạng 10/200 công ty xuất khẩu gạo trong nước.

Đối với thị trường nội địa, thương hiệu gạo “Hạt ngọc trời” cũng đã có mặt ở khoảng 60 siêu thị và hơn 200 đại lý phân phối. Công ty Lương thực Tiền Giang cũng đã tự xây dựng được 10 thương hiệu gạo và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu.

Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã xây dựng được thương hiệu gạo riêng cho mình. Nhưng đây chỉ là nhãn hiệu của công ty và mạnh ai nấy làm.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận thức được rằng phải sản xuất gạo chất lượng cao, cũng như xây dựng được thương hiệu gạo thì mới có cơ hội nắm giữ, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, trong khâu sản xuất, nông dân vẫn thích trồng giống lúa chất lượng thấp. Thực tế là ngoài nhược điểm chất lượng gạo thấp, các giống lúa này lại có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp nhiều mùa vụ, dễ canh tác, tốn ít công chăm sóc và năng suất cao.

Mặt khác, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn hướng tới thị trường dễ tính, không cần gạo ngon như sang châu Phi, Trung Quốc ...

Theo ông Ma Quang Trung, đây là vấn đề các ngành chức năng đã nhận thấy. Nếu Việt Nam sản xuất gạo có giá trị không cao thì ngay bản thân trong nội địa, cây lúa sẽ bị cạnh tranh với các cây trồng khác. Bên cạnh đó, khi hội nhập lượng gạo chất lượng tốt hơn sẽ tràn vào Việt Nam và nếu không có chính sách điều chỉnh tốt sẽ gây bất lợi ngay trên sân nhà.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang từng bước tạo dựng ngành sản xuất lúa gạo phù hợp hơn với thị trường và giá trị mang lại cao hơn. Chẳng hạn, là sẽ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ.

Trước đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung rất lớn cho vụ Hè Thu, vụ có diện tích lớn, sản lượng lớn nhưng nhiều rủi ro vì sâu bệnh nhiều, sử dụng vật tư đầu vào cao và các nước lân cận cũng sản xuất nhiều.

Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là giảm diện tích vụ Hè Thu, tăng diện tích vụ Thu Đông. Vụ Thu Đông thuận lợi cả về thời tiết, chất lượng gạo và các nước xung quanh không sản xuất nên sẽ không chịu nhiều sức ép tiêu thụ.       

Song song với đó là việc phát triển xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Ông Trung cho rằng cần hướng vào hai phân khúc thị trường. Một là phân khúc yêu cầu, đòi hỏi lúa gạo chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU. Phân khúc thứ hai hiện đang xuất khẩu chủ yếu là thị trường truyền thống, thị trường dễ tính. Trước mắt là vẫn phải duy trì phân khúc thị trường có nhu cầu chất lượng thấp hơn.

Bộ có chủ trương giảm diện tích vụ Hè Thu, tăng diện tích vụ Thu Đông. Ảnh: Duy Khương/TTXVN.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang đánh giá, để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần phải phát triển được thị trường. Bởi chính thị trường mới nuôi được thương hiệu, nếu có thương hiệu nhưng thị trường nhỏ lẻ thì thương hiệu không thể tồn tại được.

Tuy nhiên, để bước được ra thị trường thế giới, trước hết phải hướng tới thị trường nội địa. Để có thương hiệu trên thị trường thế giới, trước tiên phải có thương hiệu trong nước. Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần tập trung cho thị trường nội địa trước bởi thị trường trong nước tiêu thụ tới 30-40% lượng gạo sản xuất ra.

Cũng theo ông Lê Thanh Khiêm, nếu xây dựng thương hiệu gạo có thể chọn một số giống để bảo tồn gen để đảm bảo tính ổn định. Bên cạnh đó là xây dựng bộ tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá bộ tiêu chuẩn. Bởi hiện nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn nào để đánh giá. Ngoài ra vấn đề tập quán sản xuất gạo của Việt Nam, cách làm còn pha trộn các loại gạo với nhau. Tư duy pha trộn gạo là hạn chế lớn nhất trong vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.

“Việt Nam đang có hàng trăm giống lúa nhưng có thể chọn lấy 3 chủng loại giống như: gạo thơm Việt Nam, gạo đặc sản Việt Nam, gạo chất lượng cao Việt Nam. Từ cái tên đó chọn giống phù hợp để xây dựng tiêu chí đánh giá, kiểm tra” - ông Lê Thanh Khiêm gợi ý.

Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cỏ May Đinh Minh Tâm cho hay, gạo chất lượng cao đòi hỏi người dân phải sản xuất theo đúng yêu cầu, thao tác theo quy trình và người dân phải có kiến thức. Như vậy, nông dân phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất. Đây cũng là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc tái cơ cấu ngành lúa gạo.

Đồng thời, cần tiếp tục có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại và hình thành thương hiệu quốc gia.

Ông Ma Quang Trung cũng cho rằng, để lựa chọn làm thương hiệu quốc gia đầu tiên là lựa chọn các loại giống sản xuất ra gạo chất lượng tốt và hiện đang có nhiều tranh luận các giống làm thương hiệu. Tuy nhiên, ngoài giống tốt còn kèm theo nhiều yếu tố khác.

Việt Nam đang sản xuất với quy mô của các cánh đồng nhỏ, rất khó cơ giới hóa dẫn đến giá thành cao. Hay nông dân vẫn đang sử dụng lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón rất cao. Nếu có thương hiệu, nhưng khâu tổ chức sản xuất không tốt, giá thành sản xuất không hạ thì các nước có gạo ngon, giá thấp có thể tràn vào Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục