Thương hiệu quốc gia từ góc nhìn du lịch

06:31' - 01/04/2016
BNEWS Làm sao để nâng cao được hình ảnh du khách Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế vẫn đang là điều trăn trở đối với các nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Tọa đàm "Nâng cao hình ảnh du khách Việt" diễn ra tại Hà Nội sáng 31/3. Ảnh: Hải Yến/BNEWS/TTXVN

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ và xu hướng du lịch nước ngoài của khách Việt ngày càng phổ biến. Năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người ra nước ngoài. Theo đó, hình ảnh du khách Việt Nam khi tới tham quan các nước trên thế giới phần nào phản ánh “văn hóa” của người Việt tới bạn bè quốc tế.

Vì vậy, làm sao để nâng cao được hình ảnh du khách Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế vẫn đang là điều trăn trở đối với các nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành du lịch.

Vạch áo để sửa chữa

Anh Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet vẫn còn nhớ như in những hình ảnh “xấu” của một bộ phận đoàn khách sang Nhật mà anh có dịp trực tiếp đi cùng.

Anh Đạt chia sẻ, trong chuyến đi Nhật đó, bản thân anh cảm thấy khá ngại ngùng với bác tài xế người Nhật khi chứng kiến một số khách trong đoàn không thực hiện đúng giờ giấc cũng như phép lịch sự của khách du lịch.

Ngồi trên xe, du khách thản nhiên ăn quà nhưng lại không có ý thức dọn dẹp sau khi ăn. Nhiều du khách đến giờ lên xe cũng chưa có mặt khiến bác tài xế chạy lòng vòng nhiều lần để đón được người.

"Đỉnh điểm, ngày cuối cùng kết thúc chuyến du lịch, hai du khách thản nhiên đi shopping dù rằng giờ lên xe đã đến gần để ra sân bay. Khi đó, bác tài xế người Nhật vô cùng khó chịu, suốt chặng đường bác không thể nở một nụ cười như lúc mới lên xe dù rằng người Nhật nổi tiếng hiếu khách”, anh Đạt nói.

Buồn hơn nữa, bản thân anh Đạt cũng đã phải chứng kiến những tấm biển viết bằng tiếng Việt đề: “ở đây có camera an ninh”. “Mình và tất cả người Việt Nam đều không hề muốn tiếng Việt được phổ thông theo cách này”, anh Đạt tâm tư.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt chia sẻ, qua nhiều năm công tác, ông đúc kết một số thói xấu mà người Việt Nam thường gặp phải khi đi du lịch nước ngoài như về trang phục, ngôn phong, tác phong, ăn uống, giữ vệ sinh, tham quan…

“Ẩm thực Việt Nam rất phong phú nhưng văn hóa ẩm thực thì còn chưa tốt. Có thể bắt gặp bảng cảnh báo thói xấu ăn uống bằng tiếng Việt ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Mỹ chia sẻ.

Nhấn mạnh đến vấn đề giữ vệ sinh, ông Mỹ cho biết, không chỉ khách bình dân mà cả các thầy cô giáo, nhân viên công vụ và cán bộ cũng còn thiếu ý thức. Xả rác, khạc nhổ gần như là thuộc tính của một số khách Việt. Bên cạnh đó, khi đi du lịch, người Việt rất ít khi đúng giờ.

Thói quen này gây không ít phiền hà, khó chịu cho người khác đặc biệt là đối tác đoàn quốc tế. Bởi việc bắt họ chờ đợi khiến chương trình bị đảo lộn. Một bộ phận khách du lịch phớt lờ quy định của điểm đến, bỏ ngoài tai cảnh báo về an ninh và an toàn của hướng dẫn viên và nhà tổ chức.

Theo ông Mỹ, hiện các công ty du lịch đang phải đối mặt với tình trạng người Việt lợi dụng đi du lịch rồi trốn lao động bất hợp pháp. Chính vì vậy, công ty đã kiên quyết từ chối trường hợp mà thấy nghi vấn.

“Nhiều người nghĩ rằng hành động xấu là hình ảnh đơn lẻ, của cá nhân nhưng thực ra nó lại có tác động lớn tới hình ảnh của quốc gia, bạn bè quốc tế khi đánh giá về Việt Nam”, ông Mỹ nói.

Ai thay đổi và thay đổi thế nào?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, để thay đổi được hành vi, nhận thức của du khách khi đến với các nước bạn không thể thực hiện một sớm, một chiều. Nhưng việc làm này cũng không thể chậm trễ hơn nữa bởi Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng, hình ảnh của Việt Nam cần phải được nâng cao, không thể để hình ảnh xấu xí này tồn tại mãi.

"Việc thay đổi nhận thức này thậm chí có thể cần tới 10 năm. Nhưng việc cần làm bây giờ là sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan: doanh nghiệp, hướng dẫn viên và cơ quan truyền thông", ông Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án Du lịch có trách nhiệm, cũng cho rằng: “một đốm lửa nhỏ sẽ tạo nên những phong trào lớn”. Thời gian qua, việc thực hiện dự án đã triển khai nhiều mô hình sử dụng bộ quy tắc ứng xử, tác động đến vấn đề du lịch, duy trì sự bền vững của môi trường.

Mô hình đã triển khai tại Đà Nẵng, Quảng Ninh…đã cho kết quả tốt. Đà Nẵng thực hiện in tờ rơi về vấn đề này để tạo môi trường du lịch tốt. “Muốn thay đổi về chất lượng phải có số lượng mới thực hiện được”, ông Trí cho biết.

Anh Nguyễn Hữu Việt, Phó phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cũng đưa ra ý kiến khá thuyết phục, Sở Du lịch đã có công văn chỉ đạo doanh nghiệp lữ hành về việc giữ gìn hình ảnh của Việt Nam cũng như quảng bá hình ảnh của Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, để chỉ đạo đi vào thục tế, cần sự xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và các cơ quan liên quan khác. Ví dụ, sự hỗ trợ tham gia của ngành hàng không trong vấn đề này sẽ rất hữu ích. Bởi, hầu hết khách hàng khi đi máy bay thường đọc tạp chí, báo.

Vì vậy, trên máy bay nếu có tờ rơi về văn hóa các nước phát đến tay du khách sẽ là kênh tuyên truyền hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền bằng hình ảnh cần được phổ biến hơn bởi sẽ giúp du khách, xem cảm nhận rõ ràng hơn những thói quen xấu để sửa đổi.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, website của Hiệp hội du lịch nên có phần thông tin đăng tải văn hóa, phong tục của từng địa phương để các công ty du lịch nắm bắt. Bởi có những hành động, hành xử ở Việt Nam thì bình thường nhưng ở nước ngoài lại là tối kỵ.

Cụ thể như ở Việt Nam, việc xoa đầu một em bé là bình thường, thể hiện sự yêu mến. Nhưng đất nước Campuchia thì hành động này lại là tối kỵ.

Giám đốc Công ty TransViet cũng đã đưa ra một số giải pháp công ty đã thực hiện thời gian qua: đưa bộ quy tắc phát trờ rơi về văn minh du lịch, yêu cầu hướng dẫn viên nhắc nhở khách tuân thủ pháp luật khi đi du lịch, phát tờ rơi văn minh du lịch tuyên truyền cho khách của TransViet và khách tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các hội chợ du lịch.

Công ty cũng đã đưa ra một số kiến nghị để thực hiện vấn đề này tốt hơn như cơ quan quản lý du lịch phối hợp với các bộ, ngành khác: Bộ Công an, Hàng không và các nước bạn để cùng thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiệp hội Du lịch yêu cầu các công ty du lịch thực hiện gửi thông tin về bộ quy tắc du lịch văn minh và tuân thủ pháp luật cho khách hàng. Đưa chương trình đào tạo nâng cao văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch cho hướng dẫn viên, quản lý du lịch cùng thực hiện, nhắc nhở khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục