Thương mại điện tử: Gắn sản xuất, kinh doanh với công nghệ thông tin và truyền thông

10:18' - 30/04/2018
BNEWS Thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội ngày càng được doanh nghiệp quan tâm ứng dụng nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh. Ảnh: TTXVN

Để khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển, UBND Tp. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp như: ứng dụng mã hình QR, phát triển logistics điện tử, phát triển các dịch vụ trực tuyến, quản lý và phát triển thị trường nội dung số...

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam luôn duy trì ở mức hơn 20%, đặc biệt năm 2017 con số này là 25% và là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới. Trong đó, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh giữ vai trò tiên phong trong phát triển thương mại điện tử.

Riêng Hà Nội, tính đến hết tháng 12/2017, trên địa bàn thành phố có 7.203 website ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân; doanh thu lĩnh vực này đạt trên 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng 2% so với năm 2016.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiến hành điều tra, khảo sát hoạt động thương mại điện tử của gần 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, sự phát triển của thương mại điện tử gắn chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công nghệ thông tin và truyền thông.

Thương mại điện tử trên địa bàn thành phố ngày càng được doanh nghiệp quan tâm ứng dụng nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động cũng ngày càng phát triển bởi lợi thế tiện dụng cho người tiêu dùng. Khảo sát cho thấy, có tới 37% doanh nghiệp đã có website phiên bản di động, 27% doanh nghiệp ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng di động...

Hà Nội hiện có 5.259 website thương mại điện tử được tổ chức, cá nhân thông báo, đăng ký hoạt động, chiếm 5,6% tổng số website đang hoạt động trên địa bàn.

Điều này đồng nghĩa những website thương mại điện tử chưa làm thủ tục thông báo với Bộ Công Thương đang vi phạm Điều 27 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử. Hơn nữa, các website vi phạm vẫn hoạt động dưới hình thức thương mại điện tử nên các giao dịch trực tuyến cũng như hàng hóa được rao bán trên các trang này khó bảo đảm.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực thương mại điện tử quốc tế đã chính thức khai thác thị trường Việt Nam như Amazon hay trang thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng thâm nhập thị trường thông qua việc mua lại Lazada (trang thương mại điện tử hiện chiếm 1/3 thị phần thương mại điện tử Việt Nam)...

Thực tế cho thấy, trước khi Alibaba và Amazon đầu tư vào thị trường thương mại điện tử, Việt Nam đã đón nhận dòng vốn đầu tư của 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Internet của Nhật Bản "chen chân" vào thương mại điện tử Việt Nam khi nắm giữ 33% cổ phần tại Công ty cổ phần Sen Đỏ (Sendo), doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn FPT.

Trong khi đó, trang thương mại điện tử đứng thứ 4 hiện nay là Tiki.vn cũng đã bán 22% cổ phần cho Quỹ Đầu tư CyberAgent và 30% cổ phần cho Tập đoàn Sumitomo đều đến từ Nhật Bản.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn và công nghệ vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam giúp thúc đẩy thị trường này phát triển, nhưng cũng đặt doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc cạnh tranh gay gắt bởi tốc độ phát triển doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam chưa tương xứng so với các hình thức bán lẻ khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự kiến đến năm 2025, giá trị hàng hóa lưu chuyển qua thương mại điện tử lên đến 7,5 tỷ USD, song cũng chỉ chiếm 5% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Điều đó cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với thế giới.

Nguyên nhân là bởi hạ tầng thương mại điện tử Việt Nam chưa đồng bộ, việc thực hiện thao tác thương mại trên môi trường điện tử mới chỉ ở mức độ rất thấp, mang tính bán sơ khai, chưa chuyên nghiệp, tập quán thương mại vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không qua các nhà phân phối trung gian. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước cũng vẫn “đuối” hơn so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu.

Để khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử Hà Nội phát triển, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn năm 2018.

Theo đó, phấn đấu doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2018 chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; số người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 66% số người sử dụng Internet trên địa bàn (tăng 3% so với năm 2017); 85% cơ sở phân phối, bán lẻ… chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ; 62% doanh nghiệp có website/ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

>>>Logistics và thương mại điện tử vẫn thiếu sự liên kết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục