Thủy điện Hòa Bình được mở thêm cửa xả thứ 3 vào 6 giờ ngày 22/7

16:14' - 21/07/2017
BNEWS Ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ban hành Công điện số 25 gửi Công ty Thuỷ điện Hoà Bình.
Thủy điện Hòa Bình được mở thêm cửa xả thứ 3 vào 6 giờ ngày 22/7. Ảnh: Nhan Sinh- TTXVN

Nội dung Công điện nêu rõ: Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, căn cứ nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, kết quả tham mưu, tính toán của các đơn vị tư vấn và quá trình vận hành thực tiễn cũng như công tác chỉ đạo, chỉ huy của các Bộ, ngành và địa phương vùng hạ du thời gian qua.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình mở thêm 1 cửa xả vào hồi 6 giờ ngày 22/7 (cửa xả thứ 3), liên tục phát tối đa qua 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.400 m3/s. Tuỳ theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy để đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Theo đó, Công ty Thủy điện Hòa Bình tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập; phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình để huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo an toàn cho ngừoi và an ninh trật tự khu vực công trình, hạ du hồ thuỷ điện.

Cùng ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 26 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng; các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông, Công thương, Quốc phòng và Công an; yêu cầu: Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, vùng áp thấp trên Biển Đông có thể mạnh thêm; tăng cường thông báo trên các phương tiện thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; chủ các phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang; các hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi biết thông tin về việc gia tăng lưu lượng xả lũ hồ Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án chống lũ đối với khu vực ven sông; hệ thống đê điều, nhất là tại các trọng điểm xung yếu; các công trình ven sông để sẵn sàng triển khai các biện pháp xử lý đảm bảo an toàn.

Bố trí lực lượng để hướng dẫn, cảnh báo người dân tại các bến đò ngang; không tiến hành các hoạt động tại những khu vực nguy hiểm như ở chân các đập tràn, các cống, cầu giao thông, các khu vực ven sông nơi có dòng chảy siết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác tuần tra trên các tuyến giao thông thủy, cảnh báo và hướng dẫn tại các khu vực nguy hiểm về giao thông thủy, nhất là tại khu vực các cầu qua sông, các phân lưu, hợp lưu, kiên quyết ngăn chặn hoạt động của những phương tiện giao thông thủy không đảm bảo điều kiện an toàn; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền và hoạt động tại các bến cảng, khu neo đậu để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát các bản tin dự báo, cảnh báo và các biện pháp phòng tránh lũ để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh.

Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các phương án ứng phó với diễn biến mưa, lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Về thiệt hại do bão, lũ và công tác khắc phục hậu quả thiên tai, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tại các tỉnh: Yên Bái, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An tình hình thiệt hại do bão số 2 gây ra tính đến 19 giờ ngày 20/7 đã có 10 người chết, trong đó Hà Giang 1, Yên Bái 1, Nghệ An 6, Thanh Hóa 2; 3 người mất tích; 24.102 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, trong đó: Phú Thọ 535 ha, Vĩnh Phúc 1.843 ha, Hà Nội 2.859 ha, Hà Nam 3.696 ha, Nam Định 10.086 ha, Ninh Bình 364ha, Thanh Hóa 2.247 ha, Nghệ An 2.472 ha.

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Sơn La cho biết: Mưa lũ từ 19-20/7 đã làm 1 người bị chết do sét đánh (anh Hầu Seo Ký, sinh năm 2000, thôn Tả Sử Choóng, xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang); 2 người bị thương (Sơn La); 4 nhà bị sập đổ, cuốn trôi (Hà Giang 3 nhà, Sơn La 1 nhà); 7 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang); 23 nhà nhà bị đổ tường (Hà Giang). Ngoài ra, các tỉnh đã di dời khẩn cấp 70 nhà (Lào Cai 35 nhà, Hà Giang 35 nhà).

63,7 ha lúa bị ngập (Lào Cai); 12,9ha ngô bị vùi lấp do sạt lở (Hà Giang 0,4ha, Lào Cai 12,5ha); 1,36 ha đất ruộng bị sạt lở (Hà Giang); 3 con trâu, 2 con lợn bị chết (Hà Giang); 2 điểm trường bị sập hoàn toàn (Hà Giang); kè điểm trường thôn Sủng Sảng, xã Sủng Cháng huyện Yên Minh bị nứt dài 8m, cao 2,5m kéo nền bê tông sân trường bị sụt lún với diện tích 15m2.

Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và một số tuyến đường liên thôn bị ngập sâu từ 0,5-1m gây ách tắc giao thông tại tỉnh Lào Cai: Quốc lộ 279 tại Km59+300; Quốc lộ 70 đoạn Km111- Km113; tỉnh lộ 153 tại K4+200. Hiện đã thông tuyến do nước đã rút.

Sạt lở đất tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Vị Xuyên tỉnh Hà Giang với tổng số 236 điểm thuộc khối lượng ước tính khoảng 29.980 m3 đất đá làm 03 tuyến đường bị tắc hoàn toàn (tuyến đường Xín Mần đi Hoàng Su Phì; Km12 (Ngã ba đường 177) đi xã Xín Mần và TT Cốc Pài đi xã Nàn Ma), trong đó đoạn từ Km1+00 đến Km1+150 bị sạt ta luy âm mất hoàn toàn mặt đường.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi động viên gia đình có người chết; hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa; khắc phục các sự cố sạt lở đất, khôi phục giao thông.

Để công tác khắc phục hậu quả bão lũ tiếp tục được thực hiện hiệu quả, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Văn phòng thường trực Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích (2 thuyền viên tàu VTB26 và 1 người ở Yên Bái).

Tiếp tục tổ chức khẩn trương công tác khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra, đặc biệt là giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất. Tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng còn lại, khôi phục vụ sản xuất nông nghiệp những diện tích nước đã rút.

Các địa phương hạ du hồ Hòa Bình tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với lũ do xả nước hồ Hòa Bình, đảm bảo an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng ven sông, hệ thống đê điều theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, chủ động biện pháp bảo vệ sản xuất khi nước lên nhanh và thực hiện nghiêm Công điện số 24 ngày 19/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai./.

>> Thủy điện Bắc Hà xả nước, lũ trên sông Chảy có thể lên trên báo động 2

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục