Tính toán phương án bảo đảm quyền lợi cho lao động lớn tuổi, nghỉ hưu

15:55' - 02/11/2017
BNEWS Từ ngày 1/1/2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu theo khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Tính toán phương án bảo đảm quyền lợi cho lao động lớn tuổi, nghỉ hưu. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Cụ thể, từ năm 2018 trở đi, 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất về việc dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, bởi theo cách tính này, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn (10%) so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017.

Trao đổi bên lề Kỳ họp Quốc hội, ngày 2/11, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ vấn đề này, trong đó có phương án hoãn lộ trình thực hiện khoản 2, điều 56 đến năm 2022.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 1/1/2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu, trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ và 60.000 lao động nam. Theo cách tính của khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ sẽ thiệt thòi hơn bởi lao động nam có lộ trình 5 năm, lao động nữ phải tính ngay.

Vì vậy, trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, sẽ khoảng 21.000 lao động nữ thiệt thòi, trong số đó có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng từ 5-10% lương hưu.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đánh giá những tác động của chính sách này với mục tiêu hướng tới cuộc sống ngày càng tốt hơn cho phụ nữ, nhưng chưa được như mong muốn vì chưa kéo dài được tuổi lao động nữ. Mặc dù chưa giải quyết được nhưng các cơ quan làm chính sách sẽ không để cho phụ nữ thiệt thòi - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết.

Là đơn vị đề xuất Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về việc dừng thực hiện khoản 2, điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đó, các giải pháp phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, không để lao động nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; đảm bảo có đóng, có hưởng; tạo điều kiện cho Quỹ Bảo hiểm xã hội ổn định, phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.

Bảo vệ quyền lợi của lao động trên 35 tuổi

Trước đó, khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện nay đang xảy ra tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, trong đó phần lớn là lao động nữ.

Theo đó, hơn 80% phụ nữ trên độ tuổi 35 làm việc trong các khu công nghiệp buộc nghỉ việc hoặc bỏ việc với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét vấn đề này để sớm có giải pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là phụ nữ.

Nội dung bảo vệ quyền lợi của lao động trên 35 tuổi cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm bên lề Kỳ họp. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thông tin: Qua điều tra của Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động tại 64 doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố cho thấy có một lực lượng không nhỏ lao động từ 30 đến 40 tuổi, thậm chí dưới 30 bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Về phía người sử dụng lao động có nhiều lý do: Người lao động làm công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp sản xuất tinh vi như điện tử, linh kiện điện tử... đòi hỏi độ chính xác cao, mắt sáng, tay chân nhanh nhẹn.

Khi đến một độ tuổi nhất định (35 - 40 tuổi), năng suất lao động của công nhân giảm đi, người sử dụng lao động thay thế nguồn nhân lực mới rất dễ dàng, thậm chí nhiều công nhân mới được tuyển có năng lực tiếp cận công nghệ thông tin, độ nhanh nhạy rất tốt.

Đại biểu dẫn chứng: Trong khi đó, thời gian làm việc dài dẫn đến lương phải trả và bảo hiểm xã hội phải đóng của những công nhân lâu năm sẽ cao hơn nhiều. Ví dụ như người lao động 37 tuổi, doanh nghiệp sẽ phải trả lương 19 triệu đồng/tháng, trong khi một lao động khác mới vào làm chỉ phải trả 10 - 12 triệu đồng.

Bài toán lợi ích rõ ràng, với tư duy tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ lựa chọn việc chấm dứt hợp đồng với lao động lớn tuổi. Việc chấm dứt hợp đồng có rất nhiều cách: Đưa ra định mức lao động cao, điều kiện lao động khắt khe, buộc người lao động không đáp ứng được buộc phải tự chấm dứt hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp cũng có thể thỏa thuận với người lao động, đưa cho họ số tiền lớn, nhiều người lao động lại nghĩ có thể sử dụng số tiền này để đi làm việc khác... Như vậy, khi người lao động về già sẽ không có lương hưu. Đây là một vấn đề an sinh rất đáng báo động.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, động viên để người lao động hạn chế tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động khi đang còn trẻ; cố gắng bảo vệ quyền lao động bền vững của mình, để tiếp tục lao động, tìm công việc khác và biết đấu tranh khi doanh nghiệp lấy cớ để thải loại mình.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu quan điểm: Thực chất câu chuyện bảo hiểm là giải pháp mang nặng tính kinh tế về sự đóng góp và bảo đảm đời sống người lao động trong và sau khi làm việc, nhưng điểm quyết định chính là chất lượng, năng suất lao động.

Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động, còn những vấn đề liên quan đến xã hội lại không phải là trách nhiệm trực tiếp của người sử dụng lao động. Nhà nước cần có những chính sách đúng để đáp ứng yêu cầu.

Nói đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là nói đến bước chuyển căn bản, tác động đầu tiên vào nguồn lực lao động, với việc thay thế công nghệ, trí tuệ nhân tạo... bằng phương thức tổ chức sản xuất khác. Áp lực lớn này sẽ đánh trực tiếp vào những người lao động.

Để bảo đảm đời sống của người lao động, một trong những công cụ, giải pháp cần nói đến là chế độ bảo hiểm cần thay đổi một cách toàn diện, phù hợp với việc sử dụng lao động, chứ không phải chỉ là cân nhắc nhiều hay ít - đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh./.

>>> Vì sao cô giáo Trương Thị Lan chỉ nhận được 1,3 triệu đồng lương hưu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục