Tổng cục Thống kê: Tăng trưởng GDP năm 2016 đạt trên 6% là khả thi

19:46' - 02/12/2016
BNEWS Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng.
Tổng cục Thống kê: Tăng trưởng GDP năm 2016 đạt trên 6% là khả thi. Ảnh: TTXVN

Tình hình kinh tế - xã hội trong 11 tháng qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu lấy được đà tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp từng bước phục hồi, chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển ổn định... Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn thách thức, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.

Những kết quả tích cực

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng.

Theo đó, hầu hết các ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,5% của tháng trước. Tính chung 11 tháng, IIP tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp cũng từng bước phục hồi, chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển ổn định, thủy sản tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp tháng 11 tập trung vào thu hoạch lúa mùa; gieo trồng các loại cây màu vụ Đông và chuẩn bị những điều kiện để gieo trồng vụ Đông Xuân.

Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa trong điều kiện hết sức khó khăn đã lấy lại đà tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản tiếp tục đạt mức khá và cao hơn cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm và khá ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa có nhiều cải thiện sau nhiều tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, cho thấy sức mua và cầu đang có xu hướng tăng… 11 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng đạt nhiều kết quả tích cực. 11 tháng qua, có 2.240 dự án cấp mới và 1.075 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký ước đạt 18,103 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn thực hiện 11 tháng ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, ký kết vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động doanh nghiệp cũng có những chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và số doanh nghiệp dừng hoạt động quay trở lại tăng cao. 11 tháng qua, cả nước có 101.683 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 797 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tăng 17% về số doanh nghiệp và tăng 48% số vốn đăng ký; vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động trong 11 tháng là 24.560 doanh nghiệp, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với chiều hướng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đang tiếp tục phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; tiến độ thu ngân sách đạt thấp, nhất là thu ngân sách trung ương; giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chưa có nhiều cải thiện so với các tháng trước. Xuất khẩu nhóm hàng khoáng sản, dệt may giảm mạnh; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn chưa được xử lý dứt điểm và hoạt động của doanh nghiệp còn vẫn khó khăn...

Cần tiếp tục kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá cả thế giới đang có chiều hướng tăng, một mặt có tác động tích cực đến xuất khẩu nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí, giá thành và mặt bằng giá các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu xảy ra với tần suất ngày càng cao ảnh hưởng xấu nhiều mặt đến phát triển sản xuất và đời sống nhân dân, đòi hỏi phải có giải pháp cả về trước mắt và lâu dài, bảo đảm phát triển bền vững của nền kinh tế.

Để khắc phục những khó khăn trong nền kinh tế hiện nay, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Đồng thời điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam. Bảo đảm cung ứng ngoại tệ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu các loại vật tư thiết yếu phục vụ đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu gối đầu cho năm 2017.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm hiệu quả, an toàn hệ thống và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, vì yêu cầu kiểm soát lạm phát, bảo đảm giữ mặt bằng lãi suất cũng như xu hướng giảm lãi suất, bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước xác định tỉ lệ tăng trưởng dư nợ khoảng 14% ở thời điểm hiện nay, cũng như 17-18% vào cuối năm là hợp lý và có thể đạt được.

Ngân hàng Nhà nước cũng xác định dòng vốn hiện nay sẽ tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực, trước hết là 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đã chỉ đạo và đặc biệt quan tâm đến các gói tín dụng chính sách hiện nay cho khắc phục khó khăn do thiên tai, do vấn đề môi trường đặt ra vừa qua cũng như tập trung vào một số lĩnh vực cần thiết để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng kinh tế, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, một mặt tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển để thu ngân sách, nhất là tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Bộ cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu; chống gian lận, buôn lậu và hàng giả.

Trong phiên họp Chính phủ tháng 11, nhấn mạnh những kết quả về kinh tế-xã hội đạt được trong tháng 11 và 11 tháng năm 2016 là tích cực, toàn diện tr ên các lĩnh vực , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ t rong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ của tháng 12 và năm 2017 là hết sức nặng nề.

Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; v ới nỗ lực t rong tháng 12 để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%.

Theo đó, ngành công thương đ ẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực.

Sản xuất nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế sẽ tiếp tục cơ cấu lại sâu rộng và hiệu quả hơn. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, không chỉ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp mà phải cơ cấu lại sản xuất các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, phải dự báo được tác động của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, cũng như chính sách thương mại của các nước như Mỹ, Trung Quốc…

Cùng với những giải pháp mà các Bộ, ngành quyết liệt thực hiện, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định, với đà tiếp tục phục hồi của nền kinh tế, nhất là trong sản xuất công nghiệp; đặc biệt, sự tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, vốn FDI thực hiện tăng khá và phát triển dịch vụ là nhân tố giúp cho tăng trưởng GDP năm 2016 đạt trên 6% là khả thi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục