Tổng thống Trump đến Trung Quốc: Hướng đi nào cho quan hệ Mỹ-Trung

11:12' - 08/11/2017
BNEWS Khó có thể đoán được diễn biến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi không thành viên nào trong chính quyền của ông tiết lộ về chính sách toàn diện của Mỹ đối với châu Á.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Trang mạng chinausfocus.com mới đây đăng bài phân tích về quan hệ Mỹ-Trung của ông Doug Bandow, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Cato (Mỹ).

Mỹ kỳ vọng lớn vào chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã ca ngợi hết mực Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Mar-a-Lago hồi tháng 4/2017, nhưng chính quyền Mỹ vẫn không hài lòng với những gì Trung Quốc đã làm kể từ sau thời điểm đó.

Riêng về vấn đề thương mại, Trung Quốc nhìn thấy lợi thế kinh tế của họ và nước này sẽ không bao giờ làm theo những điều chỉ đem lại lợi ích đơn phương cho Mỹ. Địa vị của nước này ngày càng chắc chắn sau khi tổ chức thành công Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc với vị thế thống trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập là đại diện cho một tầm nhìn ngày càng tự tin của Trung Quốc và ông không thể làm hài lòng Mỹ chỉ vì Mỹ muốn nhìn thấy những “thay đổi tích cực” từ phía Trung Quốc.

Nếu chính quyền của ông Trump tiếp tục cách tiếp cận này thì Mỹ chỉ có thể đạt được một mối quan hệ bất đồng sâu sắc hơn với Trung Quốc. Theo bài viết, chính quyền Mỹ cần chuẩn bị cho việc thương thảo những thỏa thuận.

Mặc dù ông Donald Trump tuyên bố rằng ông là nhà đàm phán thành thạo, song nếu ông muốn gì từ Trung Quốc thì ông cũng cần phải đem đến lợi ích tương xứng cho họ. Ngoại trưởng Tillerson dường như cho thấy ông hiểu vấn đề, ít nhất về lý thuyết, khi ông nói: “Hợp tác và cộng tác với Trung Quốc cần phải có cho và nhận”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Quốc vào tháng 11, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền.

Khó có thể đoán trước được những điều gì sẽ xảy ra trong chuyến đi này do cả Tổng thống, Ngoại trưởng Rex Tillerson hay bất kỳ thành viên nào trong chính quyền Trump đều không tiết lộ về chính sách toàn diện của Mỹ đối với châu Á.

Nhà nghiên cứu Tao Wenzhao, hiện đang làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng một mục tiêu lớn trong chuyến thăm lần này của ông Trump là tìm cách hạn chế những nguy cơ gây bất ổn cho mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Khi Ngoại trưởng Rex Tillerson thăm Trung Quốc vào tháng 3, ông đã nhấn mạnh ba nguyên tắc trong quan hệ nước lớn là không xung đột, không đối đầu và hợp tác cùng thắng.

Trong khi đó, đây cũng là các mục tiêu mà Trung Quốc từng đề ra cho quan hệ hai nước. Theo nhà nghiên cứu Wenzhao, điều này cho thấy Mỹ và Trung Quốc có sự thống nhất về nhận thức trong phát triển quan hệ và chắc chắn rằng hai bên sẽ rất thận trọng với các bước tiến tiếp theo trong mối bang giao này.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên hiện là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với khu vực Đông Bắc Á. Tổng thống Trump đã công khai từ bỏ chính sách kiên nhẫn chiến lược dưới thời người tiền nhiệm Obama để thay vào đó gây áp lực tối đa buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy vậy, chính quyền Trump đang phát đi những thông điệp lẫn lộn và thiếu nhất quán về vấn đề này.

Trong khi đó, các bên liên quan như Trung Quốc và Nga đã tổ chức một số vòng tham vấn về vấn đề này. Trung Quốc và Nga đề nghị cách tiếp cận thực tế và linh hoạt theo hướng “tạm dừng” các động thái từ cả hai bên, đó là Mỹ - Hàn dừng tập trận quân sự để đổi lấy việc Triều Tiên tạm dừng chương trình hạt nhân.

Thương mại sẽ là một nội dung trọng yếu trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Cách tiếp cận này đưa đến một lộ trình khả thi để xây dựng sự đồng thuận, thúc đẩy các bên liên quan quay lại bàn đàm phán. Ông Wenzhao cho rằng đề xuất này cho tới nay vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ Chính quyền Trump và nhiều khả năng vấn đề Triều Tiên sẽ được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump.

Thương mại cũng sẽ là một trong những nội dung trọng yếu trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Trump. Thương mại Mỹ - Trung bao gồm cả hợp tác và cạnh tranh. Hai nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về thương mại, đầu tư và tài chính.

Trung Quốc đang nỗ lực dịch chuyển chuỗi giá trị để trở thành công xưởng của thế giới, do đó cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ ngày càng gia tăng. Thâm hụt thương mại giữa hai nước là điều không thể phủ nhận, vì vậy nhà nghiên cứu Wenzhao nhấn mạnh rằng cả hai bên phải tích cực phối hợp với nhau để thúc đẩy một mối quan hệ cân bằng hơn.

Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập bốn cơ chế đối thoại mới, gồm đối thoại ngoại giao và an ninh, đối thoại kinh tế toàn diện, đối thoại thực thi luật pháp và an ninh mạng, đối thoại về xã hội và trao đổi nhân dân.

Những cuộc đối thoại đầu tiên của các cơ chế này đã có kết quả. Các quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ, đã duy trì trao đổi và hợp tác gần gũi. Hai nước đã ký thỏa thuận khung nhằm thiết lập một cơ chế đối thoại về quân sự song phương.

Về tổng thể, quan hệ Mỹ-Trung vẫn được duy trì ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề gây bất đồng giữa hai nước. Đáng chú ý nhất là việc Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang tiến hành cuộc điều tra nhằm vào Trung Quốc theo Điều 301 theo luật thương mại của Mỹ. Điều 301 tập trung vào các tranh chấp về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Cuộc điều tra này đang làm gia tăng mối nghi ngờ về hướng đi của quan hệ Mỹ - Trung. Bởi vậy, nhà nghiên cứu Wenzhao khẳng định: “Chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Trump là dịp quan trọng để trao đổi về quan hệ song phương, tạo động lực mới cho quan hệ ổn định giữa hai nước”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục