Tổng thống Trump đến châu Á: Thời điểm then chốt đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên

05:30' - 27/10/2017
BNEWS Giới quan sát cho rằng chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ ngày 3-14/11, diễn ra vào thời điểm then chốt đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington ngày 24/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên báo Liên hợp Buổi sáng, nghị trình chính của ông Donald Trump dự kiến sẽ tập trung chính vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực hơn nữa đối với Bình Nhưỡng.

Đặc biệt, trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/11 tới, ông Trump sẽ đưa ra yêu cầu gì với Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao? Đó đang là nội dung được dư luận thế giới quan tâm và chú ý.

Theo báo trên, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ) Kim In Ryong mới đây đã tái khẳng định rằng trừ phi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch cùng mối đe dọa hạt nhân đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ quyết không quay trở lại bàn đàm phán. Ông này cũng cảnh báo tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ nước Mỹ.

Nếu Mỹ dám động đến Triều Tiên, dù chỉ một tấc đất thì Bình Nhưỡng cũng quyết không bỏ qua. Ông Kim In Ryong cũng cảnh báo các nước không nên tham gia hoạt động quân sự của Mỹ đối với Triều Tiên để tránh phải gánh chịu sự trả thù của Bình Nhưỡng.

Nhân dịp này, ông Kim In Ryong cũng chỉ trích gay gắt cuộc diễn tập quân sự kéo dài 10 ngày của liên quân Mỹ-Hàn khi nhấn mạnh: “Tình hình bán đảo Triều Tiên đã trở nên vô cùng nguy hiểm, chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào”. Diễn biến gần đây cho thấy chiến tranh quả thực đã ở rất gần bán đảo Triều Tiên. Những tháng tới đây sẽ là thời điểm then chốt trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Báo Liên hợp Buổi sáng cho rằng phát biểu của ông Kim In Ryong đã khẳng định rõ quyết tâm không từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của chính quyền Bình Nhưỡng. Ngày 17/8 vừa qua, quan chức ngoại giao này cũng nhấn mạnh với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres rằng không có chỗ đàm phán trong kế hoạch hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cho dù những phát biểu cứng rắn của các lãnh đạo Mỹ-Triều chỉ là thủ pháp tâm lý chiến, nhưng bất kỳ sự phán đoán sai lầm nào của mỗi bên đều có thể kích hoạt chiến tranh.

Theo kết quả điều tra xã hội do Đài Truyền hình CBS (Mỹ) và Công ty điều tra dư luận YouGov (Anh) phối hợp tổ chức, 30% số người Mỹ được hỏi tin chắc rằng nước này đang tiến gần đến Chiến tranh thế giới lần thứ ba; 48% cho rằng không ngoại trừ khả năng đó sẽ có thể xảy ra.

Trong bối cảnh bị tất cả các quốc gia chủ chốt trên thế giới cấm vận như hiện nay, Triều Tiên càng cảm thấy bị cô lập. Mối lo ngại của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không chỉ đơn thuần là sự an nguy của Triều Tiên, mà còn bao gồm cả sự tồn vong của chế độ và gia đình họ Kim. Dưới nhiều tầng áp lực đó, Kim Jong-un cho rằng hiện đã không còn sự lựa chọn nào khác.

Điều dư luận đang quan ngại hiện nay là khi nào Kim Jong-un lại một lần nữa ra lệnh thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong đó bao gồm cả khoảng thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump công du châu Á. Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố tăng cường cấm vận đối với Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm việc cấm tất cả các quốc gia thành viên có hoạt động thương mại hoặc xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên.

Thực ra, EU từ trước đến nay chưa từng xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên, nên lệnh cấm lần này mang tính biểu trưng, hy vọng các quốc gia có quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng sẽ thực hiện cấm vận như EU. Triều Tiên từ trước đến nay chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Trung Quốc.

Tên lửa-hạt nhân Triều Tiên sẽ là một vấn đề chính trong nghị trình chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc dừng xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ ngày 1/10 vừa qua, Bắc Kinh mới bắt đầu hạn chế xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu sang Triều Tiên.

Hơn 1 tháng trở lại đây, Donald Trump và Kim Jong-un liên tục chỉ trích lẫn nhau. Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh hành động quân sự là một trong những lựa chọn của Mỹ. Ngược lại, mức độ đe dọa của Kim Jong-un cũng ngày càng gia tăng.

Trên phương diện khác, cả Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sullivan đều nhiều lần nhấn mạnh Washingon sẽ tiếp tục thông qua biện pháp ngoại giao để ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong đó không ngoại trừ khả năng sẽ đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Sullivan mới đây phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với các quan chức Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên cũng nhấn mạnh Mỹ cùng các đồng minh cần phải chuẩn bị tốt cho tình huống xấu nhất.

Điều này cho thấy mức độ khó khăn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại, tình hình xấu đi, còn Kim Jong-un tiếp tục có các hành động khiêu khích, thì việc có thể tìm được điểm đột phá để hóa giải tình trạng đối kháng giữa các bên sẽ vô cùng khó khăn.

Báo Liên hợp Buổi sáng kết luận rằng cục diện cạnh tranh chiến lược địa chính trị tại khu vực Đông Á đang diễn biến vô cùng phức tạp. Hai bên Mỹ-Triều sẽ tiếp tục khẩu chiến, trong đó ông. Trump đã nhiều lần ám chỉ đến chiến tranh trong các phát biểu của mình trên mạng xã hội Twitter.

Cho dù không thật sự muốn động binh với Triều Tiên, nhưng trong bối cảnh các biện pháp ngoại giao và gia tăng áp lực về kinh tế lại một lần nữa thất bại, Mỹ trong thời điểm then chốt sẽ khó có thể đưa ra quyết định nào khác. Đây có thể chính là nguyên nhân khiến Thứ trưởng Ngoại giao Sullivan nhấn mạnh rằng cần chuẩn bị tốt cho tình huống xấu nhất trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục