Total đối mặt với những "trận gió ngược" mới

10:26' - 01/06/2018
BNEWS Nhân tố địa chính trị đang ngày một chứng tỏ sức chi phối lớn đối với thị trường năng lượng và Total S.A. – “thành trì” trong ngành dầu mỏ thế giới – không tránh khỏi bị kéo vào dòng xoáy này.
Logo của Tập đoàn dầu mỏ Total. Ảnh: Reuters

Thị trường năng lượng hiện đang "nóng" lên từng ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) năm 2015.

Động thái này là một mối đe dọa lớn với Total, trong bối cảnh các công ty châu Âu làm ăn với Iran có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Total là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tại Iran - nước đứng thứ hai thế giới về trữ lượng khí đốt và đứng thứ tư về trữ lượng dầu mỏ - kể từ sau khi lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ vào năm 2016. Total hiện nắm giữ 50,1% cổ phần trong dự án khai thác mỏ khí đốt South Pars 11 (SP11) và tập đoàn dầu mỏ quốc doanh CNPC của Trung Quốc nắm 30%.

Total cho biết cho đến thời điểm này, tập đoàn đã đầu tư gần 40 triệu euro cho SP11. Việc Total công bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận khí đốt với Iran trước ngày 4/11/2018 nếu không được bảo vệ trước nguy cơ bị Mỹ áp các biện pháp trừng phạt ngay lập tức đã góp phần đẩy giá dầu thô Brent Biển Bắc trong phiên sáng ngày 17/5 tại thị trường London lên trên ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014.

Total S.A. là tập đoàn dầu mỏ và khí đốt đa quốc gia của Pháp, được thành lập năm 1942. Hoạt động của Total bao quát các lĩnh vực chính như thăm dò dầu khí, sản xuất, vận chuyển khí đốt tự nhiên, tiếp thị và tinh chế sản phẩm dầu mỏ.

Sau Thế Chiến I, Thủ tướng Pháp Raymond Poincare lúc bấy giờ quyết định thành lập một công ty dầu mỏ Pháp. Với sự hỗ trợ của 90 ngân hàng và công ty, Compagnie Française Des Pétroles (CFP) được thành lập vào ngày 28/3/1924.

Trong suốt giai đoạn đầu hoạt động những năm 1930, công ty tập trung vào mảng thăm dò và sản xuất dầu mỏ ở khu vực Trung Đông. Sau Thế Chiến I, hoạt động thăm dò được mở rộng sang Canada, Venezuela và châu Phi.

Năm 1954, CFP "trình làng" sản phẩm xăng mang nhãn hiệu Total. Nhãn hiệu này ngay sau đó đã trở nên nổi tiếng, và đây là lý do CFP không lâu sau đổi tên thành Total CFP. Đến năm 1991, Total CFP đổi hẳn tên thành Total.

Chính phủ Pháp, lúc bấy giờ nắm hơn 30% cổ phần của công ty, đã giảm dần sự hiện diện tại Total. Đến năm 1996, Paris chỉ còn nắm 1% cổ phần của Total. Giai đoạn từ năm 1990-1994 chứng kiến sự gia tăng đáng kể quyền sở hữu nước ngoài đối với Total.

Năm 1999, Total bị Petrofina – một công ty dầu mỏ Bỉ - thâu tóm và được đổi tên thành Totalfina. Đến khi Totalfina thu về Elf Aquitaine, công ty một lần nữa được đổi tên thành TotalFinaElf vào năm 2000. Danh xưng Total được khôi phục vào năm 2003 và đã được duy trì kể từ đây.

Những dấu mốc không thể bỏ qua của Total phải kể đến năm 2008, khi Total và Công ty Dầu mỏ Saudi Arabia (Saudi Aramco) – hiện là công ty năng lượng nhất thế giới - cùng đầu tư vào nhà máy lọc dầu Jubail mang đẳng cấp thế giới đặt tại Jubail, Saudi Arabia với mục tiêu sản xuất 400.000 thùng/ngày.

Đến năm 2010, Total đã một lần nữa khẳng định mình khi bước vào hàng "đại gia" trong lĩnh vực kinh doanh dầu toàn cầu. Total bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh tại mỏ dầu Kashagan khổng lồ của Kazakhstan. Năm 2013, Total thông báo thiết lập quan hệ đối tác với Veolia Environnement S.A. - công ty xuyên quốc gia của Pháp nổi tiếng về dịch vụ năng lượng…

Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức, Total không tránh khỏi nhiều lần vấp phải vấn đề pháp lý. Total ngày 29/5/2013 phải lĩnh án phạt lên đến 398,2 triệu USD từ Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) do có hành vi hối lộ quan chức chính quyền Iran trong giai đoạn năm 1995-2004 để giành được quyền khai thác một số khu vực giàu khí đốt và dầu mỏ, trong đó có khu mỏ khí đốt lớn nhất thế giới South Pars.

Mặc dù không ít lần vướng vào các vấn đề gây tranh cãi, Total hiện vẫn được đánh giá là một trong những tập đoàn dầu mỏ “siêu lớn” của thế giới.

Hồi tháng 8/2017, Total thông báo mua công ty dầu khí Maersk Oil thuộc tập đoàn vận tải và logistics A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch với giá 7,45 tỷ USD, đưa Total trở thành nhà khai thác dầu lớn thứ hai ở Biển Bắc, với các hoạt động đáng kể ở Anh, Na Uy và Đan Mạch, đồng thời nâng cao chỗ đứng của tập đoàn tại vịnh Mexico, Algeria, Kenya và Kazakhstan.

Lợi nhuận ròng đã điều chỉnh của Total trong quý I/2018 đạt 2,9 tỷ USD, cao hơn con số dự báo 2,77 tỷ USD mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó.

>>>Tập đoàn Total chi 7,45 tỷ USD mua lại doanh nghiệp dầu khí hàng đầu Đan Mạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục