Triển khai hóa đơn điện tử: Muôn kiểu "lách" thuế (Bài I)

10:58' - 29/10/2016
BNEWS Nhiều chuyên gia ngành thuế cho rằng Việt Nam nên bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, bởi đây là công cụ đã được sử dụng phổ biến trên thế giới, nhất là khi đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực thuế.
Triển khai hóa đơn điện tử: Muôn kiểu "lách" thuế. Ảnh: Hóa đơn điện tử

Theo Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, ngành tài chính mà trực tiếp là Tổng Cục Thuế có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách và hạ tầng công nghệ thông tin.

Lách từ cửa hàng...

Ở bất kỳ quốc gia nào, nguồn thu từ thuế luôn phục vụ chi tiêu lợi ích chung của cộng đồng hay nói cách khác chi cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Đương nhiên muốn chi thì phải có thu nên vấn đề kiểm soát dư địa thu thuế là cần thiết đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ thất thu thuế luôn tiềm ẩn trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, từ cửa hàng đến doanh nghiệp.
Tới cửa hàng chuyên bán đồ nội địa Nhật ở số 76 Nguyễn Du, Hà Nội, điểm dễ nhận thấy chính là phong cách chuyên nghiệp trong cách sắp xếp hàng hóa cũng như phục vụ. Chỉ là một cửa hàng tạp hóa nhỏ nhưng các sản phẩm đều có thông tin đầy đủ từ tên mặt hàng, mã hàng, giá chưa bao gồm thuế đến các chương trình giảm giá. Ngay trên hóa đơn bán hàng cũng lưu ý khách hàng về kiểm tra, đổi trả hàng, giá sản phẩm…
Trái ngược với cách làm tỉ mỉ của người Nhật, cửa hàng KFC phố Định Công có chiêu hút khách dễ gây hiểu lầm. Phía ngoài cửa hàng, một áp phích quảng cáo giảm giá bắt mắt ghi rõ với tiêu đề: “Trưa nay ăn gì” với áp phích quảng cáo in hình một suất cơm gà kho tiêu và nước uống pepsi giá 35.000 đồng. Nhưng giá này chỉ áp dụng từ thứ 2 – thứ 4, được ghi rất nhỏ ở phía trên của áp phích quảng cáo. Tại đây, nhân viên bán hàng cũng “ưu ái” với khách trả tiền mặt hơn là sử dụng thẻ để giao dịch. Và đôi khi nhân viên vì lý do khách đông quên cả việc đưa hóa đơn cho người mua hàng.
Chẳng hạn với mặt hàng thuốc y tế, việc không xuất hóa đơn tồn tại ở hầu hết cửa hàng thuốc nhỏ nằm len lỏi trong các khu dân cư. Chỉ dọc ngõ nhỏ trên phố Định Công Hạ, có đến 10 cửa hàng thuốc và gần như các cửa hàng này đều không xuất hóa đơn khi bán. Trong khi đó, việc ghi giá trên mỗi loại thuốc không phải cửa hàng nào cũng thực hiện nghiêm túc. Như vậy, khách hàng chỉ biết trả tiền theo sự tính toán của nhân viên.
Cách mua - bán không hóa đơn hoặc thiếu rõ ràng của hàng loạt cửa hàng trên đã trở thành thói quen lâu nay của người tiêu dùng Việt. Điều này cũng là lý do giải thích một phần nguồn thu thuế đang bị thất thu. Hơn nữa, khách hàng cũng sẽ phải chịu thiệt khi mua hàng nếu không đúng yêu cầu. Bởi lúc đó, việc đổi trả hàng phụ thuộc hoàn toàn vào sự dễ tính của người bán.
Trong khi đó, theo quy định, các cửa hàng kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải chịu các loại thuế như: Thuế thu nhập cá nhân (TNCN); thuế môn bài; thuế giá trị gia tăng (GTGT). Hộ cá nhân kinh doanh cũng phải sử dụng hóa đơn bán hàng theo đúng quy định. Đối với các hộ cá nhân, kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới 100 triệu đồng (tương đương khoảng 9 triệu đồng/tháng) thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (tức không phải nộp thuế GTGT) nhưng vẫn phải nộp thuế môn bài và thuế TNCN.
Tỷ lệ % tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định như sau: cung cấp, phân phối hàng hóa là 1%; sản xuất, vận tải dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 3%. Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 5%; hoạt động kinh doanh khác là 2%.
Như vậy, việc các hộ kinh doanh không cung cấp hóa đơn cho khách hàng có thể hiểu hộ kinh doanh đó nằm trong diện nộp thuế môn bài, không phải nộp thuế GTGT. Còn đối với trường hợp cửa hàng không xuất hóa đơn thanh toán cho khách hàng sẽ khiến cơ quan quản lý thuế không có cơ sở để kiểm soát.
Một loại giao dịch khác cũng đang khó kiểm soát phải kể đến là cho thuê nhà bởi đây là giao dịch thỏa thuận chủ yếu giữa người bán, người thuê, không có sự giám sát của cơ quan chức năng. Chị Thanh Hằng ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, chị có nhà cho thuê mấy năm nay quanh mức 10 đến 15 triệu đồng/tháng nhưng cũng không thấy ai ở cơ quan thuế đến hỏi. Bản thân chị cũng chưa hiểu rõ về nghĩa vụ nộp thuế khi cho thuê nhà.
Trong khi đó, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tài chính quy định, đối với hộ gia đình; cá nhân có tài sản cho thuê mà tổng số tiền cho thuê trong năm thu được từ 100 triệu đồng trở xuống hoặc tổng số tiền cho thuê trung bình một tháng trong năm từ 8,4 triệu đồng trở xuống thì không phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN.

Cơ quan thuế không thực hiện cấp hoá đơn lẻ đối với trường hợp này. Nếu tổng số tiền cho thuê nhà trên 100 triệu/năm thì tổng thuế phải nộp là: (doanh thu tính thuế GTGT x 10%) + thuế môn bài.
Đấy là chưa kể một loạt lĩnh vực khác như các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, ngoại ngữ, thể dục thể thao, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế.

... tới doanh nghiệp

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công một chuyên án lớn và khởi tố bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan đến vụ án để điều tra về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Theo đó, nhóm đối tượng có dấu hiệu sử dụng các doanh nghiệp “ma” để mua bán hoá đơn GTGT trái phép.

Công an Hà Nội phá đường dây mua bán hoá đơn GTGT trái phép. Ảnh: VietNamNet

Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại các công ty hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, rồi chỉnh sửa thông tin của giám đốc, người đại diện theo pháp luật các công ty, kể cả công ty được thành lập mới nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh với sự đa dạng về ngành, nghề, lĩnh vực như xây dựng cơ bản, du lịch, dịch vụ... để xuất, bán hoá đơn GTGT.
Sau đó, các đối tượng tổ chức giao dịch, thoả thuận với các doanh nghiệp về nội dung mua, bán hoá đơn rồi viết, xuất hoá đơn, giao nhận hoá đơn và giao dịch chuyển khoản.
Quá trình điều tra làm rõ, từ tháng 6-2014 đến nay, nhóm đối tượng này đã xuất khống hóa đơn với tổng giá trị trên 780 tỷ đồng của 40 công ty “ma” với 3.150 hóa đơn cho khoảng trên 500 công ty, bước đầu cơ quan điều tra xác định đã gây thất thu trên 78 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Trên đây chỉ là một trong số các vụ vi phạm về trốn thuế hóa đơn GTGT được phát hiện trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, trường hợp doanh nghiệp mua lại công ty hoạt động kém hiệu quả là hoạt động bình thường và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, về nguyên tắc khi mua lại doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế quản lý.
Còn với trường hợp doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh mà chủ yếu bán hóa đơn GTGT theo ông Nguyễn Đình Cư đã xảy ra nhiều năm và việc này gây thất thoát ngân sách Nhà nước đồng thời tạo nên sự bất bình đẳng đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong khi đó, các biện pháp ngăn chặn chưa có hiệu quả.
Theo ông Cư, lý do bởi Luật Doanh nghiệp hiện hành tạo điều kiện thuận lợi đối với việc thành lập doanh nghiệp, nhưng không có điều kiện cụ thể cho các thân nhân là chủ doanh nghiệp về trình độ nghiệp vụ, học vấn, đạo đức kinh doanh và về cơ sở vật chất như tài sản, vốn kinh doanh cũng không quy định… Đây chính là khe hở để các đối tượng thành lập doanh nghiệp làm ăn phi pháp thực hiện mua bán hóa đơn GTGT.
Hơn nữa, trước đây, cơ quan thuế cung cấp hóa đơn GTGT đối với các doanh nghiệp nên dễ kiểm soát. Nhưng nay, chính sách thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự in, tự phát hành, tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế. Trong khi đó, lực lượng cán bộ thuế mỏng nên không đủ điều kiện kiểm tra toàn bộ doanh nghiệp để phát hiện ra những doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính.
Bài 2: Hiện thực hóa mục tiêu minh bạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục