Triển vọng phát triển ngành rong biển Việt Nam

07:32' - 20/08/2016
BNEWS Tại Việt Nam có hơn 800 loại rong biển, trong đó nhiều loại được sử dụng làm thực phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...

Nhiều triển vọng phát triển ngành rong biển Việt Nam, Ảnh: thuysan.vn

Rong biển chứa nhiều chất dinh dưỡng được nhiều thị trường thế giới ưa chuộng. Riêng tại Việt Nam có hơn 800 loại rong biển, trong đó nhiều loại được sử dụng làm thực phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...

Lợi ích nhiều mặt

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học và Môi trường thuộc Đại học Nha Trang, trong 800 loại rong biển có ở Việt Nam thì rong đỏ Rhodophyta chiếm hơn 400 loại, rong lục Chlorophyta chiếm 180 loại và rong nâu hơn 140 loại và gần 100 loại rong lam.

Ngoài ra, còn có các loại như rong sụn, rong nho chiếm số lượng ít hơn. Những loại rong này sống chủ yếu ở các tỉnh khu vực Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận vì nơi đây có những mô đá để rong bám vào trong quá trình sinh trưởng, đồng thời tính chất nước biển ở đây đủ độ mặn cho cây rong phát triển.

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Mội trường cho biết, rong biển chứa nhiều vitamin, đạm, chất xơ có lợi cho đường ruột, các nguyên tố đa vi lượng như Natri, Kali, iot, canxi, magie, selen, kẽm, đồng,… và các chất chống oxy hóa cao có lợi cho sức khỏe con người, trong đó có loại giúp loại bỏ các đồng vị phóng xạ trong cơ thể người bị nhiễm ra ngoài.

Do đó, rong biển được dùng làm thực phẩm và chế biến thực phẩm. Điển hình như rong hổ tai dùng để nấu canh, chè, các loại rong khác dùng để chế biến sushi, sashimi, …

Bên cạnh việc sử dụng rong biển làm thực phẩm, các doanh nghiệp còn sử dụng rong biển chế tạo thành chất tạo độ quánh trong công nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm, chất ăn kiêng, các loại gel trong cố định tế bào, thực phẩm tái cấu trúc, thức ăn gia súc, vật nuôi,…

Rong biển hiện là sản phẩm quý hiếm, có loại đạt sản lượng thu được rất ít, mà đơn vị tính là theo tờ mỗi năm. Loại này chủ yếu dùng để làm món ăn sushi kiểu Nhật hay kimbap kiểu Hàn Quốc.

Trong năm 2015, cả nước có hơn 10.000 ha sản xuất rong biển, trong đó rong cau chiếm 8.200 ha và rong sụn chiếm 1.500 ha, rong guột và rong mứt chỉ chiếm 400 ha.

Tuy nhiên, hiện nay ngành rong biển chưa được chú trọng đầu tư tương xứng với giá trị của nó. Sản lượng rong biển thu hoạch tự nhiên của cả nước chỉ đạt 56.000 tấn tươi, tương đương 8.000 tấn rong khô.

Sản lượng rong biển nuôi trồng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện năng suất chưa cao do chưa chú trọng đầu tư, có nơi chỉ đạt 3,5 tấn tươi/ha/năm. Vì vậy, ngành rong biển cần có giải pháp riêng để phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Hướng đến giải pháp phát triển

Trước triển vọng phát triển lớn của ngành rong biển cũng như giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này, nhiều ý kiến đưa ra là cần phải đầu tư cho rong biển hơn nữa để tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân sinh sống tại những khu vực có tiềm năng nuôi trồng rong biển.

Ngành rong biển có giá trị kinh tế lớn. Ảnh: thuysanvietnam.vn

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, để nâng cao sản lượng rong biển Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu thì phải tăng cường trồng rong biển trên biển và hải đảo, các đầm phá. 

Đây cũng là mô hình kết hợp bảo vệ môi trường biển đảo, nơi có rong biển sinh sống. Bên cạnh đó, để tiêu thụ được sản phẩm rong biển đi kèm với gia tăng giá trị thì các doanh nghiệp chế biến rong biển phải đa dạng hóa sản phẩm từ rong biển, đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ trong chế biến để phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường và các nhà nhập khẩu.

Không những vậy, các doanh nghiệp cũng hợp tác, đào tạo kĩ thuật cho người trồng rong biển để có năng suất cao, cho thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương khoanh vùng lưu giữ giống rong biển nhằm nâng cao chất lượng giống, tạo giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp đủ số lượng rong giống cho người dân.

Hưởng ứng với những chiến lược này, Công ty TNHH Hải Nam – Okinawa (TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã phối hợp với các kĩ sư Nhật Bản sản xuất rong nho, một trong các loại rong biển được nhiều nước ưa chuộng tạo nguồn rong xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam - Okinawa, mô hình nuôi trồng rong nho bằng nước biển sạch được lắng lọc trong hồ chứa qua hệ thống tinh lọc trước khi bơm vào bể.

Các yếu tố nước và nhiệt độ luôn được kiểm soát ở mức ổn định để tạo điều kiện tốt nhất cây rong phát triển, từ đó cây rong sẽ cho sản lượng cao quanh năm và chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh chú trọng kĩ thuật nuôi trồng thì Công ty Hải Nam - Okinawa cũng chú trọng việc nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm từ rong nho, trong đó có sản phẩm rong nho muối, có thời gian lưu trữ từ 6 tháng đến 1 năm, dễ dàng vận chuyển đến người tiêu dùng.

Đây cũng là sản phẩm được các nhà nhập khẩu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lựa chọn hàng đầu hiện nay.

Như vậy, khi hướng đến đầu tư chuyên sâu về giống rong, số lượng cũng như chú trọng kĩ thuật sản xuất rong chất lượng cao cho người dân, khoanh vùng nguyên liệu cụ thể sẽ giúp cho ngành rong biển có hướng đi tích cực hơn trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục