Triển vọng thị trường hàng hóa nguyên liệu và vai trò của châu Á

08:07' - 14/09/2016
BNEWS Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hóa nhận định nỗ lực tái cân bằng cán cân cung-cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu diễn ra chậm.
Triển vọng thị trường hàng hóa nguyên liệu và vai trò của châu Á. Ảnh: presstv.ir

Tại Hội nghị hàng hóa nguyên liệu châu Á lần thứ ba vừa diễn ra do tờ “Thời báo Tài chính” (The Financial Times) chủ trì, các công ty giao dịch hàng hóa hàng đầu trong khu vực và giám đốc điều hành các công ty giao dịch hàng hóa uy tín ở Singapore đưa ra nhận định rằng giá dầu thô thế giới sẽ biến động trên biên độ hẹp 40-60 USD/thùng trong thời gian tới, trong khi đầu tư vào hàng hóa nguyên liệu vẫn kém "nhiệt".

Giá dầu thô sẽ biến động trên biên độ hẹp 40-60 USD/thùng và khó lòng vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong thời gian tới, do dự trữ dồi dào, trong khi các công ty dầu đá phiến của Mỹ thường xuyên điều chỉnh sản lượng để đối phó với sự biến động của giá dầu.

Andy Milnes, một quan chức của tập đoàn dầu mỏ BP, cho hay giá dầu thô sẽ không sớm trở lại ngưỡng 100 USD/thùng. Nếu giá dầu tăng lên mức 55-60 USD/thùng, ông Milnes lo ngại dầu đá phiến sẽ lại tràn ngập thị trường.

Trong báo cáo vừa công bố ngày 13/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tình trạng dư thừa dầu mỏ trên toàn cầu sẽ gây sức ép xuống giá lên thị trường dầu cũng như lên ngân sách của nhiều nước sản xuất dầu mỏ cho tới năm 2017, do nhu cầu dầu tăng chậm hơn báo, trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn duy trì chiến lược không hạn chế sản lượng, nhằm gây sức ép lên các công ty dầu đá phiến Mỹ.

Trên toàn thị trường năng lượng, nguồn cung được nhắc tới như là nhân tố gây sức ép nhiều hơn (so với cầu) lên giá dầu. Tuy nhiên, ông Steve Hill, người phụ trách giao dịch khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của tập đoàn dầu khí đa quốc gia BG Group plc (Anh), đưa ra dự báo lạc quan rằng nhu cầu LNG trên toàn cầu sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2030.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý một số thách thức mà ngành sản xuất LNG đang phải đối mặt. Các chuyên gia phân tích trong ngành lưu ý rằng các dự án LNG với kinh phí thực hiện trị giá hàng tỷ USD chỉ có thể được đưa vào thực hiện nếu giá LNG tăng mạnh từ mức thấp hiện nay.

Trong khi đó, sự nhiệt tình của giới đầu tư châu Á đối với giao dịch hàng hóa nguyên liệu đang giảm sút. Tình hình tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc cùng với tình trạng nợ và vỡ nợ của các công ty khai khoáng đang làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa nguyên liệu.

Paul Gardner, người đứng đầu bộ phận tài chính hàng hóa nguyên liệu thuộc ngân hàng Westpac, thừa nhận rằng các ngân hàng phải chịu một phần trách nhiệm cho sự sụt giảm này.

Các công ty thương mại, các công ty hàng hóa nông sản từ lớn đến nhỏ tại châu Á dường như đều sẵn sàng cho sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường này.

Các hoạt động thâu tóm công ty ở nước ngoài mà công ty chế biến thực phẩm quốc doanh Trung Quốc Cofco triển khai cũng như các động thái quyết liệt của các công ty giao dịch hàng hóa Nhật Bản đang phần nào làm thay đổi bộ mặt của lĩnh vực giao dịch hàng hóa nguyên liệu.

Số phận của các thị trường hàng hóa cơ bản như kẽm, than, quặng sắt và thép ngày càng phụ thuộc lớn vào các quyết sách của Trung Quốc.

Theo nhà kinh tế Graeme Train thuộc công ty giao dịch hàng hóa toàn cầu Trafigura, từ tháng 7/2016, Chính phủ Trung Quốc nói nhiều đến chính sách môi trường trong lĩnh vực khai mỏ.'

Giới phân tích cho rằng đây dường như là cách thông minh để giải quyết vấn đề dư thừa công suất cũng như giải quyết các mối quan ngại về môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục