Trung Quốc có yếu thế trước Mỹ trong tranh chấp thương mại?

05:30' - 03/05/2018
BNEWS Tạp chí Project Syndicate mới đây đăng bài của ông Yu Yongding, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới của Trung Quốc, phân tích về quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Mặc dù mâu thuẫn thương mại từ lâu đã là một vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung nhưng rất ít người đoán trước được về một cuộc leo thang căng thẳng giữa hai nước như hiện nay, bởi các nhà kinh tế đều coi một cuộc chiến thương mại là sự phá hủy đối với tất cả các bên. Mọi chuyện có thể đảo ngược trước khi quá muộn hay không?

Đầu tiên, Tổng thống Donald Trump cho rằng thâm hụt 500 tỷ USD với Trung Quốc là một khoản lỗ, là kết quả của việc chính quyền Mỹ "thiếu năng lực" nên mới cho phép Trung Quốc hưởng lợi. Theo ông Trump, Mỹ đã thua trong một "cuộc chiến thương mại" với Trung Quốc từ nhiều năm trước.

Nhưng cân bằng thương mại còn phức tạp hơn những gì ông Trump nghĩ. Phần lớn những gì Trung Quốc xuất khẩu bao gồm các bộ phận được sản xuất tại bất cứ đâu, nghĩa là thặng dư thương mại của Trung Quốc là thặng dư của rất nhiều quốc gia khác.

Hơn nữa, trong khi Trung Quốc thặng dư với Mỹ, họ lại thâm hụt thương mại lớn đối với Nhật Bản và các nền kinh tế Đông Nam Á. Xuất siêu của Trung Quốc đã giảm liên tục trong thập kỷ qua - từ gần 10% năm 2007 xuống còn hơn 1% năm 2017, nghĩa là xuất nhập khẩu gần như cân bằng.

Và sự thâm hụt của Mỹ cũng không hẳn là một điều xấu bởi nó thể hiện khả năng giành được nhiều vốn nước ngoài. Điều đó mang lại lợi ích cho Mỹ trong nhiều năm thông qua việc củng cố hệ thống tài chính và tiền tệ của Mỹ. Chỉ điều chỉnh chính sách thương mại là không đủ để giảm thâm hụt. 

Điều này không phải để lập luận Mỹ không nên ấm ức về hoạt động thương mại của Trung Quốc. Tình trạng quan hệ thương mại hiện nay giữa hai nước cần phải xét đến việc Trung Quốc tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cựu Giám đốc WTO Pascal Lamy từng thừa nhận, mặc dù Trung Quốc đã làm "rất tốt" trong việc thực hiện danh sách dài hạn những cam kết của WTO, nhưng "không có nước nào là quá tốt đến nỗi không bị chỉ trích". Cụ thể, ông Lamy cho rằng một số lĩnh vực dịch vụ nhất định có thể không mở cửa hiệu quả và sự bảo vệ sở hữu trí tuệ cần phải được củng cố.

Đây là những chỉ trích đúng đắn. Thực sự, bản thân Chính phủ Trung Quốc cũng hy vọng mở cửa những thành phần dịch vụ-tài chính nhanh hơn nhưng sự mong manh về tài chính cần phải có biện pháp dần dần. Mặc dù Trung Quốc đã có tiến bộ trong bảo vệ sở hữu trí tuệ, họ vẫn cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc hơn.

Đối với Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã giám sát chặt chẽ việc Trung Quốc thực hiện các quy định của WTO kể từ khi Trung Quốc gia nhập năm 2001. Báo cáo của USTR năm 2016 về vấn đề này thừa nhận sự phức tạp về tư cách thành viên của Trung Quốc tại WTO vào thời điểm đó, nhưng vẫn có giọng điệu khá tích cực, nhấn mạnh sự mở rộng của thương mại và đầu tư song phương mà cả hai bên đều có lợi.

Trong khi đó, báo cáo của USTR năm 2017 - năm đầu tiên tại vị của Tổng thống Trump - không đề cập một kết quả tích cực nào. Thay vào đó, báo cáo khẳng định Mỹ "sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO", và phàn nàn về chính sách công nghiệp của Trung Quốc.

Cụ thể, chính quyền Trump phản đối kịch liệt chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc đến năm 2025" được Chính phủ Trung Quốc đưa ra năm 2015 với mục tiêu củng cố 10 ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm công nghệ thông tin tiên tiến, máy móc tự động và robot học, thiết bị hàng không và vũ trụ, ô tô điện.

Báo cáo của USTR cảnh báo rằng "mục tiêu cuối cùng" của chiến lược này là "giành được nhiều thị phần thế giới hơn". Trên thực tế, chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc đến năm 2025" nhằm phát triển năng lực sản xuất của Trung Quốc chỉ đến mức trung bình của các nước có năng lực sản xuất mạnh cho đến năm 2035 (không phải là năm 2025), là một mục tiêu khá khiêm tốn.

Nhưng thậm chí nếu Trung Quốc muốn đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, liệu Mỹ - nước đang sở hữu một thị phần lớn hơn nhiều - có thể ngăn chặn được không? Theo báo cáo của USTR, vấn đề là công cụ chính sách mà chính quyền Trung Quốc đang sử dụng để đạt mục tiêu này "là chưa từng có tiền lệ và các thành viên WTO không sử dụng chúng".

Các cáo buộc cho rằng Trung Quốc đã thực hiện một loạt can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển nền công nghiệp - mà phần lớn là do hạn chế, tận dụng, phân biệt đối xử hay tạo ra bất lợi cho những tập đoàn nước ngoài và các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ của họ.

Báo cáo này cũng không chỉ rõ những hành động can thiệp này là gì. Mặc dù Mỹ tức giận với vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ là có thể hiểu được, nhưng vấn đề này cần được giải quyết thông qua WTO.

Việc chính quyền Trump trả đũa với các biện pháp mà Mỹ cho rằng không chỉ nhằm đảm bảo Trung Quốc tuân thủ các quy định mà còn muốn ngăn chặn Trung Quốc đuổi kịp công nghệ Mỹ là điều không thể chấp nhận đối với Trung Quốc.

Chính sách của Mỹ nằm trong khuôn khổ "Chiến lược An ninh Quốc gia" mà chính quyền Trump công bố hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó khẳng định Mỹ sẽ phản ứng lại với sự cạnh tranh về chính trị, kinh tế và quân sự mà Mỹ phải đối mặt trên toàn thế giới.

Trung Quốc được cho là đối thủ chính đối với "lợi ích, sức mạnh và sự ảnh hưởng của Mỹ". Quan điểm này châm ngòi cho nguy cơ của cái gọi là "Bẫy Thucydides" - với ý nghĩa là một cường quốc lo ngại về một đối thủ đang lên và dẫn tới xung đột.

Theo tác giả bài viết, hai nước có thể tránh khỏi một cuộc chiến thương mại. Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ háo hức xoa dịu căng thẳng, điển hình bằng cam kết gần đây của ông về việc giảm thuế cho ô tô của Mỹ và mở cửa lĩnh vực tài chính-dịch vụ của Trung Quốc.

Sau đó, ông Trump tuyên bố đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng những lời lẽ gay gắt sẽ giảm dần thông qua đàm phán và nhượng bộ. Sau đó, lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ có thể chuyển sự chú ý sang một vấn đề lớn hơn là tránh "Bẫy Thucydides", từ đó ngăn chặn một sự đụng độ có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục