Đằng sau tuyên bố “theo đuổi đến cùng” trong tranh chấp thương mại với Mỹ của Trung Quốc

05:30' - 01/05/2018
BNEWS Giữa lúc tranh chấp thương mại Trung - Mỹ không ngừng leo thang, cả Bắc Kinh và Washington đều tuyên bố "không nhượng bộ" khiến dư luận lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại có thể nổ ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhật báo Đông phương có quan điểm trung lập của Hong Kong, ngày 23/4, đăng bài bình luận cho rằng trong cuộc tranh chấp thương mại Trung - Mỹ hiện nay, Bắc Kinh ngay từ đầu đã tuyên bố sẽ "theo đuổi đến cùng" nhưng trên thực tế lại chỉ là những tuyên bố suông còn hành động thực tế thì trái ngược hoàn toàn.

Tuy nhiên, điều nằm ngoài dự đoán của mọi người là Trung Quốc bất ngờ chìa "Cành ô liu" với Mỹ. Ngày 10/4 vừa qua, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (Hải Nam, Trung Quốc), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố một loạt biện pháp mới nhằm mở cửa thị trường, nới lỏng ở mức độ lớn hạn chế cho phép xâm nhập thị trường. 

Phần lớn dư luận cho rằng Trung Quốc đã thỏa hiệp, thậm chí nhượng bộ với Mỹ, tin rằng bóng mây chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ sớm tiêu tan.

Giới phân tích Hong Kong nhận xét những biện pháp mở cửa mà Bắc Kinh tuyên bố lại gồm các điều kiện phía Mỹ đưa ra trước đó trong đàm phán thương mại với Trung Quốc như nới lỏng hạn chế tỷ lệ vốn bên ngoài nắm giữ cổ phần trong ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, nới lỏng hạn chế vốn bên ngoài thiết lập cơ cấu tại chính tại Trung Quốc, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hạ thấp thuế nhập khẩu ô tô... 

Liên hệ với nội dung trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên trang twitter rằng ông có lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ với Mỹ.

Dường như, ông Donald Trump đã nắm được điểm yếu của Trung Quốc. Điều đáng nói là, từ khi tranh chấp thương mại Trung - Mỹ bắt đầu leo thang, các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Trung Quốc lần lượt "đứng lên tuyến trước", bày tỏ không sợ chiến tranh thương mại đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẽ "theo đuổi đến cùng". 

Truyền thông chính thống của Trung Quốc hàng ngày cũng đăng tải các bài viết phê phán việc Mỹ bá quyền, tuyên bố sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt, thậm chí nhấn mạnh Trung Quốc quyết không thể khuất phục trước sức ép của Mỹ và thề sẽ "huyết chiến" đến cùng. 

Đồng thời, Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên có những toan tính sai lầm, tự lấy đá đập vào chân mình. Kết quả là khi Mỹ còn chưa làm điều này thì Trung Quốc đã không muốn tiếp tục chiến tranh với Mỹ. Cách nói "theo đuổi đến cùng" của Trung Quốc tự nhiên trở thành trò cười cho thiên hạ.

Theo giới phân tích Hong Kong, trên thực tế, Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ là có cơ sở từ trước. Nhìn lại, ở hiệp một ông Trump tuyên bố biện pháp gia tăng thuế suất đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Phản ứng của Trung Quốc là rất yếu ớt, chỉ đánh thuế mang tính trả thù đối với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Sang hiệp hai, Mỹ đánh thuế 25% đối với khoảng 1.300 mặt hàng của Trung Quốc, tổng giá trị khoảng trên 50 tỷ USD. 

Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố đánh thuế mang tính trả thù đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng giá trị tương đương. Lúc này, Trung Quốc thực sự chứng tỏ "theo đuổi đến cùng". Tuy nhiên, khi bước sang hiệp ba, ông Trump tuyên bố xem xét tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị trên 100 tỷ USD. 

Bộ Thương mại Trung Quốc mặc dù lập tức tuyên bố "đã sẵn sàng đáp trả Mỹ" và "không loại trừ bất kỳ biện pháp nào" nhưng không nêu biện pháp cụ thể cũng như tổng giá trị hàng hóa. Sau đó, việc Trung Quốc tuyên bố một loạt biện pháp mở cửa đã cho thấy Bắc Kinh không muốn để tình hình leo thang.

Giới phân tích Hong Kong cho rằng Bắc Kinh từng nhiều lần thỏa hiệp với Washington, trong đó nguyên nhân chủ yếu là giới chức Trung Quốc luôn định vị quan hệ Trung - Mỹ là "quan hệ vợ-chồng". Mỗi khi quan hệ song phương xuất hiện va chạm, quan chức Trung Quốc luôn đề cập đến thuyết "quan hệ vợ-chồng" Trung - Mỹ, cho rằng chỉ cần sau khi Mỹ bớt giận thì có thể giải quyết được mâu thuẫn và bất đồng giữa hai bên. 

Thậm chí có người còn đưa ra quan điểm "cứu nước Mỹ chính là cứu Trung Quốc". Do Mỹ giống như người đàn ông thô bạo, còn Trung Quốc như người con gái ngoan hiền (bị bạo hành vẫn cố nhẫn nhịn) nên trong quan hệ song phương, Washington dường như mãi mãi "bắt nạt" được Bắc Kinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục