Trung Quốc và “con đường tơ lụa trên băng” (Phần 1)

05:30' - 06/02/2018
BNEWS Tuy không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến vùng cực bắc Địa Cầu, nhưng Trung Quốc tranh thủ để dự án Con đường tơ lụa của thế kỷ 21 bao hàm luôn cả một tuyến đường trên băng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN 

Bắc Cực có nhiều lợi thế thu hút như mở ra một tuyến đường hàng hải mới, một vùng đất và đại dương giàu tài nguyên thiên nhiên từ dầu khí đến thủy sản và những hứa hẹn về du lịch.

Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch nhiều bước để chen chân vào Bắc Cực nhưng lần đầu tiên, Trung Quốc cho công bố Sách Trắng về chiến lược phát triển Bắc Cực. Đâu là những điểm nổi bật trong Sách Trắng của Trung Quốc và phải hiểu như thế nào về những lời cam kết hòa hoãn của Bắc Kinh?

Tờ Bình quả ngày 31/1 đưa tin “Sách Trắng Bắc Cực”, với 2 cương lĩnh chính sách chủ đạo là “không vắng mặt” và “không can dự”, bày tỏ rõ ý đồ dựa vào tuyến đường biển Bắc Cực, cùng với các nước Bắc Cực trong đó bao gồm cả Mỹ và Nga, để xây dựng “Con đường Tơ lụa trên băng”, thúc đẩy phát triển dầu khí, khoáng sản, nghề cá và du lịch khu vực Bắc Cực.

Các nhà phân tích chiến lược quốc tế cho rằng hành động này của Trung Quốc cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tính toán đến phương án đưa sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI)  vươn tới Bắc Cực. Điều này sẽ khiến các nước Bắc Cực nghi ngờ về mục đích chiến lược đằng sau các hành động đó của Trung Quốc. 

Hiện nay, vùng Bắc Cực có 3 tuyến đường biển, lần lượt là tuyến Đông Bắc, tuyến Tây Bắc và tuyến giữa. Cả 3 tuyến đường biển này đều lấy Eo biển Bering phía ngoài khơi Alaska của Mỹ làm điểm bắt đầu và điểm kết thúc.

Tuyến Đông Bắc đi qua bờ biển phía Bắc của Nga tiến ra bờ Đông Đại Tây Dương và thẳng đến châu Âu. Tuyến Tây Bắc men theo bờ biển phía Bắc Canada tiến ra bờ Tây Đại Tây Dương để đến Mỹ.

Các chuyên gia hàng hải của Trung Quốc cho rằng các tàu hàng của Trung Quốc thông qua tuyến đường biển Bắc Cực đi tới châu Âu sẽ giảm bớt được thời gian ít nhất là 20 ngày so với tuyến đường vận chuyển qua kênh đào Suez thường sử dụng hiện nay.

Được biết, tàu hàng của Tập đoàn Vận tải Viễn dương Trung Quốc (COSCO) đã từng sử dụng tuyến hàng hải Đông Bắc để tới châu Âu. 

“Sách Trắng Bắc Cực” nêu rõ nhiệt độ khu vực Bắc Cực ấm lên, vào mùa Hè vùng đóng băng tại Bắc Cực giảm bớt, dự báo tới giữa thế kỷ 21 hoặc có thể sớm hơn, vùng biển Bắc Cực có thể sẽ xuất hiện hiện tượng không có băng theo mùa, tạo ra cơ hội cho các nước sử dụng các tuyến đường biển và khai thác tài nguyên tại vùng Bắc Cực.

“Sách Trắng” này nhấn mạnh Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng đường biển, triển khai thử nghiệm khai thác thương mại các tuyến đường biển khu vực Bắc Cực, thúc đẩy các tuyến đường biển Bắc Cực thương mại hóa, thường xuyên hóa, đồng thời chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế trên phương diện xây dựng cơ sở hạ tầng và vận hành các tuyến đường biển Bắc Cực.

“Sách Trắng” ngầm bày tỏ Trung Quốc không phải hiện nay mới bất ngờ tham gia phát triển Bắc Cực mà công việc này đã được triển khai từ lâu. Ngay từ năm 1925, Trung Quốc đã tham gia Hiệp ước Spitsbergen. Hiệp ước Spitsbergen, được ký hồi năm 1920, khẳng định chủ quyền của Na Uy đối với Quần đảo Spitsbergen.

Tuy nhiên, các nước tham gia ký kết hiệp ước, khoảng 50 nước, đều có thể khai thác khoáng sản của quần đảo này. Tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc đã 8 lần tiến hành khảo sát khoa học tại khu vực Bắc Băng Dương. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực thăm dò giá trị thương mại của các tuyến đường biển Bắc Cực.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu nêu rõ Trung Quốc tham gia công việc Bắc Cực theo 2 nguyên tắc trên. Theo ông Khổng Huyễn Hựu, do Trung Quốc không phải là nước Bắc Cực nên họ sẽ không can dự vào công việc riêng của các nước Bắc Cực cũng như công việc của khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục