Lý do khiến Nga đưa hạm đội tàu ngầm xuống lòng Bắc Cực (Phần 2)

07:03' - 03/01/2018
BNEWS Phần tham vọng nhất trong Dự án Iceberg của Nga là kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử dưới nước đầu tiên để làm trạm tiếp nhiên liệu cho các nhóm tàu ngầm được triển khai tới Bắc Cực.
Các xe tự hành dưới nước được dùng trong công tác tìm vớt phi cơ gặp nạn. Ảnh minh họa: NTB/TTXVN

Các nhà máy điện dưới nước này sẽ nằm dưới đáy biển và trở thành điểm sạc nhiên liệu cho tàu ngầm không người lái qua lại. Thiết kế ban đầu là một lò phản ứng 24 megawatt có vòng đời khoảng 25 năm. Mỗi nhà máy sẽ vận hành hoàn toàn độc lập với các chuyên gia kỹ thuật chỉ cần ghé qua bảo trì định kỳ một năm một lần.

Nhưng Nga có hồ sơ yếu kém về an toàn hạt nhân trên biển. Nước này từng mất bảy chiếc tàu ngầm hạt nhân kể từ 1961 tới nay, trong đó một số tàu là do có trục trặc ở lò phản ứng. Các vụ tai nạn trên tàu thuyền do Liên Xô vận hành chiếm 14 trong số các vụ tai nạn hạt nhân chết người nghiêm trọng nhất ở biển.

Trong một trường hợp, toàn bộ chiếc tàu ngầm bị phơi nhiễm phóng xạ mức độ cao, trong một vụ khác tàu bị mất bộ phận làm lạnh và một phần lò phản ứng bị nóng chảy. Vụ tai nạn đó đã được thể hiện đầy kịch tính trong bộ phim Hollywood K-19: The Widowmaker.

Công ty điện lực Nga Nikiet thực ra đã cho rằng việc không sử dụng người để điều hành sẽ giúp cải thiện được vấn đề an toàn. Không có người đồng nghĩa với việc sẽ có ít nguy cơ xảy ra sai sót do lỗi của con người hơn, chẳng hạn như lỗi dẫn tới thảm họa Chernobyl, khi mà những người điều hành đã can thiệp vào các hệ thống an toàn, là các hệ thống nếu để chạy tự động thì đã tắt lò phản ứng đi rồi.

Các lò phản ứng dưới nước được cho là đang ở giai đoạn phát triển kỹ thuật hiện đại, với mục tiêu đặt ra là lò phản ứng đầu tiên sẽ đi vào hoạt động muộn nhất là từ năm 2020.

Nhiều công đoạn hoạt động sẽ do robot đảm nhiệm toàn bộ. Trong đó, "nhân vật chính” sẽ là các tàu ngầm không người điều khiển hoạt động sâu dưới mặt nước, hoặc các xe tự hành dưới nước (autonomous underwater vehicle - AUV).

Các AUV hiện đang được dùng với số lượng ít ở nhiều quốc gia, và thường dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà điều hành thay vì để tự hoạt động. Trước đây Nga từng đi sau trong lĩnh vực này, nhưng nay đã bắt kịp các nước khác.

AUV có tên Harpsichord-2R-PM đã được phát triển cho Dự án Iceberg, và được dự kiến trở thành thiết bị đi đầu trong toàn bộ khối các loại phương tiện hoạt động dưới nước khác nhau. Thiết bị nặng 2 tấn, dài 6m và trông giống như thủy lôi này hiện đang được thử nghiệm tại Biển Đen, nhưng cũng đang được dùng trong công tác tìm vớt phi cơ gặp nạn.

Hồi năm 2009, một trong những chiếc AUV này đã được đặt trên một phi cơ của Hải quân Nga, là chiếc đã lao xuống khiến toàn bộ 11 người trên khoang thiệt mạng trong một chuyến bay tập huấn.

Chiếc phi cơ rớt xuống ở vùng biển ngoài khơi Sakhalin, hòn đảo của Nga ở gần Nhật Bản, nhưng việc tìm kiếm trên bề mặt đã gặp nhiều trở ngại do băng đá và thời tiết xấu. Chiếc AUV có khả năng tự hoạt động dưới những làn sóng đã giúp cho việc trục vớt thành công hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay, qua đó giúp xác định được nguyên nhân gây tai nạn.

Mục tiêu chính trị, quân sự hay kinh tế?

Tuy nhiên, trong quá trình khoan thăm dò và khai thác dưới đáy biển đang diễn ra thì đã có những thay đổi to lớn vượt qua cả những căng thẳng chính trị âm ỉ.

Tình trạng thay đổi khí hậu đang đẩy nhanh quá trình tan chảy các khối băng ở Bắc Cực, tạo những thách thức cho các nhóm người sinh sống tại nơi này cũng như cho các loài động thực vật hoang dã, chẳng hạn như gấu Bắc Cực, và làm nghiêm trọng hơn những bất ổn chính trị trong khu vực.

Tại một cuộc hội thảo diễn ra hồi tháng Ba, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nói sự phát triển của vùng Bắc Cực sẽ giúp xây dựng mối quan hệ láng giềng xung quanh và nơi này sẽ là một “vùng lãnh thổ hòa bình và hợp tác”. Thế nhưng điều này khó có thể nói là phù hợp với các hoạt động khác của Nga trong khu vực.

Khoảng 50 nơi từng là căn cứ quân sự của Liên Xô ở Bắc Cực gần đây đã được tái hoạt động. Quân đội Nga có các Lữ đoàn Bắc Cực mới, và trong lễ diễu hành dịp 1/5 năm nay đã phô trương các phương tiện quân sự đặc biệt phục vụ các chiến dịch ở vùng cực.

Hạm đội miền Bắc của Nga cũng có máy phá băng tân tiến của riêng mình, cùng các tàu tuần tra “có khả năng chạy trên băng”, các máy phá băng cỡ nhỏ có gắn hỏa tiễn chống tàu thuyền. Dự án Iceberge cũng đang đi trước trong việc đối diện với các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp lên Nga trong vụ Moskva sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình.

Các lệnh trừng phạt hạn chế công ty dầu khí của Nga trong việc tiếp cận nguồn tài chính và công nghệ nước ngoài mà các hãng này cần để phát triển các giếng dầu tại môi trường khắc nghiệt của Bắc Cực.

Nga chọn cách tự đi. Hồi đầu năm nay, nước này bắt đầu thiết lập một tổ hợp khoan tìm theo chiều ngang từ một bán đảo hẻo lánh ở bên rìa Biển Laptev để chạm được vào các túi dầu nằm sâu tới 15km dưới mặt đại dương băng giá.

Nhưng Kozyulin tỏ ý hoài nghi về chuỗi các nhà máy tái nạp năng lượng hạt nhân được lên kế hoạch xây dựng trong Dự án Iceberg, và nói chúng “tuyệt vời quá mức”.

Ông đặt câu hỏi là nếu như đây là dự án khoan dầu mang tính kinh tế thì tại sao Gazprome hay các công ty dầu khí lớn khác của Nga lại không tham gia? Kozyulin cho rằng thật dễ nhận ra rằng mục tiêu thực sự của Iceberg chính là phục vụ quân sự.

Chẳng hạn như các lò phản ứng dưới nước sẽ được dùng để cung cấp điện cho hàng rào phòng chống tàu ngầm của Nga, được biết đến với tên gọi Harmony, có nhiệm vụ phát hiện và theo dõi các tàu ngầm của NATO.

Người Nga đang theo đuổi quá trình tuyên bố chủ quyền vùng đáy biển mở rộng ở Bắc Cực với Ủy ban về Giới hạn thềm lục địa của Liên hợp quốc. Stephen Blank, một chuyên gia về Nga tại Hội đồng chính sách Ngoại giao Mỹ, cho biết những tuyên bố chủ quyền này xung đột với các quốc gia khác, trong đó có Canada.

Nga từng đạt thành công khi tuyên bố chủ quyền trong quá khứ. Ông Blank cho biết: “Ủy ban đã từng cho Nga quyền mở rộng ở vùng biển Okhotsk (ở Tây Thái Bình Dương) năm 2013. Moskva ngay lập tức chuyển khu vực này thành một pháo đài hải quân độc quyền và giữ khu vực này cho các công ty nhiên liệu. Nơi này có vẻ như một tiền lệ dẫn đến sự việc ở Bắc Cực”.

Ông Blank tin rằng quá trình xây dựng quân sự của Nga là vì nỗi sợ các quốc gia khác cũng sẽ chiếm các mỏ nhiên liệu khác ở Bắc Cực trước. Ông cho biết: “Tôi không thấy có gì đáng ngạc nhiên nếu họ đã từng có triển khai hoạt động bí mật dưới lòng biển sâu vào thời gian nào đó rồi”.

Rất khó để biết liệu kế hoạch khai thác khí đốt và dầu mỏ ở Bắc Cực của dự án Iceberg có khả thi hay không, hay Nga đơn giản là muốn giữ khu vực này để có thể khai thác trong tương lai. Điều mà mọi người không nên nghi ngờ đó là quyết tâm của người Nga. Nếu có ai có thể kiếm lợi từ Bắc Cực, thì đó là chính họ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục