Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh tại Pháp

18:20' - 25/07/2016
BNEWS Doanh nghiệp cần nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm….

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung của cả nước đang có dấu hiệu suy giảm nhưng riêng với thị trường Pháp thời gian qua vẫn tăng trưởng đều đặn. Không chỉ vậy, nhằm đón lõng những ưu đãi từ Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, không ít doanh nghiệp trong nước đã tích cực đưa hàng Việt xuất hiện nhiều hơn trong hệ thống siêu thị của Pháp và đón nhận được cảm tình của người dân bản địa.

Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi EU dự kiến sẽ khiến Pháp rơi vào khó khăn, có thể giảm nhập khẩu nói chung và giảm nhập khẩu hàng Việt nói riêng.

 Nhiều động thái tích cực

Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), Pháp là đối tác quan trọng trong khu vực châu Âu với dung lượng thị trường và sức mua lớn. Các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đa phần thuộc nhóm hàng công nghiệp như: điện thoại và linh kiện, giày dép, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử, túi xách.

Đặc biệt hơn, hàng Việt Nam khá thu hút người tiêu dùng tại các siêu thị của Casino (công ty mẹ của Big C) tại Pháp. Đặc biệt hơn, người tiêu dùng Pháp do thích thú hàng hóa và ẩm thực Việt nên mới đây tại thành phố Lyon, Casino đã tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Pháp mùa thứ 3. Tại đây, khách hàng có thể khám phá các sản phẩm thực phẩm đặc trưng của Việt Nam.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến đầu tháng 6/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp đã đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm thị phần lớn với 34,5%, đạt 394 triệu USD. Đứng thứ hai về kim ngạch là giày dép các loại, đạt 193,8 triệu USD, tăng 19,11%, tiếp theo là hàng dệt may tăng 55,4%, đạt 130,4 triệu USD.

Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu quen thuộc, năm 2015 Pháp cũng đã mở cửa cho trái vải Việt Nam. Dù mới năm thứ 2 xuất khẩu trái vải sang thị trường này nhưng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng mạnh từ 8 tấn (năm 2015) lên 70 tấn (năm 2016).

Trái vải Việt Nam được đánh giá có chất lượng và hương vị thơm ngon hơn sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc và Thái Lan bởi công nghệ xông hơi lưu huỳnh để tẩy trùng toàn bộ tạp chất ở vỏ quả vải. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cẩn thận loại bỏ những chất độc hại còn tồn dư trước khi sơ chế, đóng hộp và vận chuyển sang Pháp bằng đường hàng không, giúp bảo quản được lâu nhưng vẫn giữ được hương vị tươi ngon như mới thu hoạch.

Doanh nghiệp Việt cần đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh trên thị trường Pháp. Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN

Cũng theo Vụ Thị trường châu Âu, Pháp còn là một trong những thị trường chính của sản phẩm gỗ Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này luôn tăng mạnh. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp chưa biết liên kết lại khi chưa đủ mạnh, hoặc đã mạnh thì mạnh hơn để có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Đây là một đặc điểm cố hữu của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, mức độ đầu tư vào công nghệ chế biến sản phẩm gỗ chưa cao. Đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất gỗ, đặc biệt là hàng đồ gỗ mỹ nghệ có hệ thống thiết bị lạc hậu, trong khi đó, yêu cầu của thị trường Pháp ngày càng cao. Cùng với đó, xu hướng "thay đổi gu" trong tiêu dùng sản phẩm gỗ ở Pháp rất nhanh nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp khởi đầu muốn đầu tư dài hạn.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Theo phân tích của giới chuyên gia thì việc Anh rời khỏi EU sẽ phần nào tác động đến thương mại 2 chiều Việt Nam - Pháp theo hướng giảm. Bởi Anh là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Pháp, nên Anh rời EU kéo theo đồng bảng Anh mất giá khiến kim ngạch xuất khẩu từ Pháp sang Anh suy giảm, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế hai nước nói chung. Do đó, giải pháp được đẩy mạnh trong thời gian tới sẽ là tăng cường xúc tiến thương mại, giúp hàng Việt xây dựng thương hiệu, giữ vững vị thế tại thị trường Pháp.

Bởi vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối của Pháp đã và đang liên tục được triển khai thời gian qua như Tuần lễ hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Casino, Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp.... Chính nhờ các hoạt động này, hàng Việt đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Pháp. Hiện tại mỗi năm, Casino nhập rất nhiều sản phẩm thủy sản đông lạnh như tôm và cá basa của Việt Nam cho chuỗi cửa hàng của Tập đoàn tại Pháp và nhiều quốc gia khác.

Thương vụ Việt Nam tại thị trường Pháp cho rằng, cơ hội để hàng Việt tiếp cận thị trường Pháp là rất lớn nhưng ngược lại, yêu cầu cũng rất khắt khe. Do vậy, tuy giá cả rất quan trọng nhưng các doanh nghiệp vẫn cần đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm…. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các doanh nghiệp Việt Nam tại nước sở tại để làm cầu nối giúp đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu không chỉ riêng với Pháp mà ngay cả khu vực châu Âu.

Doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng các sản phẩm xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN

Thương vụ Việt Nam cũng đưa ra gợi ý, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thông qua họ tìm hiểu thông tin thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam tại Pháp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2016 cũng là năm hoàn tất ký kết các Hiệp định Thương mại tự do FTA mới. Đặc biệt là các Hiệp định TPP, Hiệp định FTA Việt Nam - EU hứa hẹn mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam và có tác động tích cực và quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu.

Do đó, Bộ sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp giải quyết nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đường dây nóng này.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục