Vải thiều Lục Ngạn tìm đường sang thị trường Trung Đông

07:15' - 17/05/2016
BNEWS Một số doanh nghiệp đã đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ, Australia, EU... Một số doanh nghiệp đang xúc tiến, tiếp cận thị trường Trung Đông.
Chất lượng và sản lượng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap tăng. Ảnh: Dương Trí/TTXVN

Ngày 17/5, tại huyện Lục Ngạn, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2016.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015. Tổng sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015; trong đó, vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn (17,7%), vải chính vụ là 107.000 tấn (82,3%). Vải thiều được trồng tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam , Tân Yên, Lạng Giang…

Mặc dù, diện tích và sản lượng vải thiều giảm nhưng chất lượng và sản lượng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap tăng.

Năm nay, dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm 60% tổng sản lượng và xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm 40%; trong đó, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Australia, EU…

Bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn những năm trước. Các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch tiêu thụ vải thiều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào mùa thu hoạch, tỉnh có khoảng gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1,5 nghìn thương nhân trong và ngoài nước về thu mua, giám sát tiêu thụ vải.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, cùng với việc tiếp tục duy trì, giữ vững ổn định các thị trường truyền thống, Bắc Giang đang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu vải thiều mới, thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn, nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống.

Đặc biệt, năm nay Trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải sang các thị trường khó tính.

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều, một số doanh nghiệp đã đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường Mỹ, Australia, EU... Một số doanh nghiệp trên địa bàn đang xúc tiến, tiếp cận thị trường Trung Đông.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường khẳng định, đối với mặt hàng xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang, thời gian tới Lạng Sơn sẽ thực hiện tốt vai trò đầu mối xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi nhất về giao thông, bến bãi và các thủ tục hành chính phục vụ xuất khẩu.

Còn Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, Tp. Hà Nội sẽ phối hợp với các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn để đưa quả vải vào tiêu thụ.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Hoàng Anh Tuấn đề xuất, ngoài tổ chức kết nối tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam và một số tỉnh, thành phố phía Bắc, năm nay và các năm tiếp theo Bắc Giang cần tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên, để việc tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều được thuận lợi, đại diện Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC cho rằng, Bắc Giang cần quan tâm xây dựng thương hiệu vải thiều Bắc Giang, hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, tạo ra các vùng sản xuất vải an toàn, mẫu mã đẹp, đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các kho lạnh để lưu trữ quả vải chưa xuất khẩu được trong khoảng 4, 5 tuần. Đồng thời, nghiên cứu kéo dài vụ vải, tránh thu hoạch ồ ạt cùng một lúc…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục