Vẫn còn dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

08:27' - 07/09/2016
BNEWS Nhiều ý kiến cho rằng cơ hội dành cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều và cần sự đồng bộ hóa giữa các nhà sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn dung lượng thị trường lớn. Ảnh: TTXVN

Tại buổi tọa đàm Chia sẻ kết quả nghiên cứu về công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Việt Nam, được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/9, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn của nhiều doanh nghiệp hiện là sản lượng, quy mô nhỏ nên khó đưa ra giá cạnh tranh vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy vậy, cơ hội dành cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều. Vì vậy, rất cần sự đồng bộ hóa giữa các nhà sản xuất linh kiện.
Các vấn đề chính được đưa ra tại tọa đàm là quy mô thị trường, áp lực sau năm 2018, xóa bỏ hàng rào thuế quan của ASEAN và ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Ông Lê Văn Hùng, Phó giám đốc Nhà máy ô tô Veam, Bỉm Sơn, Thanh Hóa cho rằng, cơ hội thì có nhiều nhưng chỉ khi tham gia được vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, chứ nếu chỉ có trong nước thì sẽ rất khó khăn.
Các chính sách của Nhà nước hiện nay là tập trung phát triển dung lượng thị trường, đủ về quy mô để thực hiện công tác nội địa hóa. Sau 2 năm ban hành quy hoạch, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, các chính sách về thuế, để tập trung vào dòng xe nhỏ, thân thiện môi trường.
Hiện nay, tác động của các chính sách tương đối rõ ràng, số lượng xe của năm 2016 về cơ bản đã vượt so với định hướng, theo chiến lược đến năm 2020. Tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa theo quy hoạch vẫn tương đối thấp, theo định hướng chúng ta đưa ra là đến năm 2020 nội địa hóa đạt 40%, 2025 là 45%, đến nay tỷ lệ nội địa hóa xe con khoảng 10-20%, xe buýt hơn 30%, xe tải 40%.

Như vậy là khoảng cách đạt tiêu chí về nội địa hóa để hưởng ưu đãi trong khung thuế quan FTA, TPP thì các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn cần nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó, chính sách của Chính phủ đối với doanh nghiệp sẽ cần phải tính toán kỹ trong từng dung lượng thị trường trong nước.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương: "Chúng ta sẽ tính toán phát triển vào dòng xe nhỏ, thân thiện môi trường. Việc cạnh tranh trực tiếp cũng không quan ngại lắm, tất nhiên là có ảnh hưởng, nhưng không quyết liệt, các thị trường chủ yếu là đắp bù nhau. Do vậy, dung lượng thị trường là vẫn còn cho ngành công nghiệp ô tô".
Rõ ràng việc tạo ra thị trường để doanh nghiệp có mục tiêu sản xuất là điều cần thiết nhất. Việt Nam phải nỗ lực để vươn ra bên ngoài để phát triển ngành công nghiệp ôtô, cụ thể là Chính phủ và doanh nghiệp cần có sự phối hợp để vượt qua bước rào này bằng chính những nỗ lực từ bên trong.
Trước đó, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần chuyển sang nhập khẩu ô tô và nhường chỗ cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô trong nước vẫn khẳng định, đây là ngành tạo ra động lực phát triển cho các ngành khác và là giải pháp cân bằng cán cân thương mại, giảm nhập khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục