Vấn đề Brexit: EU thuyết phục Anh ở lại liên minh thuế quan

21:09' - 25/04/2018
BNEWS EU hy vọng London có thể thay đổi quan điểm về mối quan hệ mà nước này muốn có với EU thời hậu Brexit.
Cờ của Anh và và cờ của Liên minh châu Âu. AFP/TTXVN.

Các nhà ngoại giao và chính khách tại Brussels ngày 25/4 cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể đề xuất một quan hệ thân mật hơn với Anh sau khi nước này rời EU (còn gọi là Brexit), nếu Thủ tướng Anh Theresa May  quyết định ở lại liên minh thuế quan chung của EU.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Thượng viện Anh bác bỏ dự luật rời liên minh thuế quan EU mà chính phủ của bà May đề xuất. EU hy vọng London có thể thay đổi quan điểm về mối quan hệ mà nước này muốn có với EU thời hậu Brexit.

Các cuộc đàm phán Brexit kể từ cuộc gặp gần đây nhất với toàn bộ lãnh đạo EU hồi tháng 3 chỉ đạt những tiến bộ nhỏ. Đến nay, bà May đã nhận được "đèn xanh" của 27 nguyên thủ EU để bắt đầu cuộc đối thoại về quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai. Thế bế tắc hiện nay chủ yếu vì Brussels và London có quan điểm quá khác biệt về thỏa thuận mới giữa hai bên trong thời hậu Brexit.

Anh muốn từ bỏ liên minh thuế quan và thị trường chung, trong khi EU nói rằng các "ranh giới đỏ" này đồng nghĩa với việc khuôn khổ duy nhất cho hợp tác tương lai giữa Anh và EU là một thỏa thuận thương mại. Một thỏa thuận như vậy lại là quá nhỏ so với tham vọng của Anh.

Khi được hỏi về khả năng Chính phủ Anh thay đổi suy nghĩ về việc rời liên minh thuế quan, người phát ngôn của Thủ tướng May khẳng định: "Thủ tướng đã nói rất rõ: Chúng tôi sẽ rời liên minh thuế quan và sẽ tự do ký kết các thỏa thuận thương mại của mình trên khắp thế giới".

Tuy nhiên, Thượng viện Anh tuần trước đã bác bỏ đề xuất của chính phủ về việc rời liên minh thuế quan chung sau Brexit. Theo kế hoạch, Hạ viện sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu về việc này vào tháng tới.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier  gợi ý: "Nếu ranh giới đỏ của Anh được dỡ bỏ, EU sẽ sẵn sàng xem xét lại đề xuất của mình. Chúng tôi rất mềm dẻo, chứ không giáo điều".

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU không hy vọng rằng vòng đàm phán tới, vào ngày 2-4/5, sẽ đạt nhiều đột phá, bởi hai bên đều đang giữ quan điểm của mình và chờ đối phương nhượng bộ trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục