Vị trí của Indonesia trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ

06:30' - 04/01/2018
BNEWS Báo Jakarta Post đăng bài phân tích của tác giả Bradley Wood thuộc Đại học quốc gia Australia với tựa đề “Indonesia chưa được coi trọng trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Jakarta ngày 20/4. Ảnh: EPA/TTXVN

Cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á có vị trí địa lý gần với Trung Quốc hơn, trong khi xem nhẹ vai trò của Indonesia.

Sự giải thích của chính quyền Trump về thuật ngữ "Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương" vẫn còn mơ hồ. Thuật ngữ này hiếm khi được đề cập bởi chính quyền tiền nhiệm Barack Obama vốn đưa ra thuật ngữ khu vực "Châu Á - Thái Bình Dương".

Dường như, chính quyền Trump thích một thuật ngữ có nghĩa rộng hơn, có thể là thể hiện sự chuyển dịch từ một hàm ý hẹp miêu tả vai trò trung tâm của Trung Quốc trong khu vực sang một hàm ý rộng lớn hơn bao hàm cả Ấn Độ.

Giới học thuật và hoạch định chính sách khu vực cho rằng khái niệm "Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương" nhằm mở rộng quan điểm chiến lược về "Châu Á -Thái Bình Dương" thành một quan điểm phản ánh một hệ thống chiến lược đơn nhất bao gồm cả Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.
Với quy mô, vị trí địa lý và vai trò lãnh đạo trên thực tế đối của Indonesia với ASEAN, Indonesia đáng lẽ cần được chính quyền Trump coi trọng trong cách tiếp cận "Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương" của mình. Tuy nhiên, Jakarta gần như bị bỏ qua.
Tháng 4/2017, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thăm Indonesia trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới khu vực này. Chuyến thăm của Pence là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho sự hợp tác ban đầu của chính quyền Trump với Indonesia và ASEAN.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại hạn chế của Mike Pence vào thời điểm đó đã làm giảm tầm quan trọng tổng thể của chuyến thăm, vì mục tiêu chủ yếu của chuyến thăm là nhằm cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Ngoài ra, thiếu vắng trong chuyến thăm này là việc không có một cam kết mới nào được đưa ra về vai trò lãnh đạo Mỹ trong khu vực Đông Nam Á vốn đang chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Sau đó, vào tháng 7, tại cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mời Tổng thống Donald Trump đến thăm Jakarta và ông Trump đã đáp rằng: "Chúng tôi sẽ đến đó, đó là một nơi tôi thực muốn đến".

Tuy nhiên, trong chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày hồi tháng 11 của ông Trump - chuyến công du đi châu Á dài nhất của bất kỳ Tổng thống Mỹ nào trong 25 năm qua, Indonesia đã không nằm trong lộ trình.

Hơn nữa, Indonesia cũng đã nỗ lực để mời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thăm Jakarta song kết quả là ông Tillerson đã không đến "quốc gia vạn đảo" này trong chuyến công du châu Á đầu tiên của mình hồi tháng 3 vừa qua, và ông cũng không đến thăm đất nước này trong chuyến công du Đông Nam Á hồi tháng 8.

Cho đến nay, ông Tillerson đã đến Trung Quốc ba lần; Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines hai lần; đồng thời cũng đã đến Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ. Điều này cho thấy chính quyền Trump đang ưu tiên cho các đồng minh Bắc Á và các quốc gia tại Đông Nam Á vốn chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Retno LP Marsudi đã gặp Ngoại trưởng Mỹ bên lề các cuộc đàm phán đa phương như hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra hồi tháng 11, cuộc gặp không mấy thu hút và chưa mang lại những kết quả tích cực.

Chiều hướng sao lãng về mặt ngoại giao này lại được thể hiện rõ nét hơn trước những đồn đoán gần đây cho rằng ông Tillerson có thể sẽ từ chức vào tháng 1/2018. Indonesia coi điều này có thể là một cơ hội để xây dựng mối quan hệ mới với tân ngoại trưởng Mỹ hoặc có thể là một viễn cảnh chẳng giúp ích gì khi mà Indonesia có thể bị "bỏ rơi" tệ hơn.
Từ lâu, Indonesia đã nỗ lực để chính quyền Trump nhìn nhận Jakarta như một cường quốc đang nổi trong khu vực Ấn Độ dương - Thái Bình Dương. Vài ngày trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, Bộ trưởng Điều phối về Hàng hải Indonosia, Luhut Pandjaitan, đã nhận định rằng lễ nhậm chức của ông Trump sẽ mở ra "một cơ hội chiến lược cho Indonesia trong quan hệ với một đối tác lâu dài".
Gần đây, ông Luhut yêu cầu Mỹ gia tăng sư gắn kết với Indonesia như một vùng đệm chiến lược quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Luhut nói: "Không thể tưởng tượng được rằng Washington có thể xây dựng mối quan hệ vững chắc và bền vững với khu vực Đông Nam Á, vùng đệm chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ mà không bao gồm Indonesia".

Tuy nhiên, quyết định gần đây của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - một đất nước mà Indonesia không có quan hệ ngoại giao chính thức - sẽ khiến ông Trump trở thành một nhân vật không được chờ đợi tại quốc gia có dân số theo Đạo Hồi lớn nhất thế giới này.

Vấn đề Palestine đối với Indonesia không chỉ là một tâm điểm gây tranh cãi đối với cộng đồng người Hồi giáo trên toàn quốc, mà còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn vì nhiều người Indonesia coi tuyên bố của ông Trump là một chính sách ủng hộ việc chiếm đóng của Israel đối với Palestine.
Chuyến thăm đến Indonesia của ông Trump người vốn chính thức ủng hộ chính sách gây tranh cãi trên sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ chính trị của Tổng thống Widodo huy động hàng loạt các nhóm chính trị và tôn giáo để phản đối cuộc viếng thăm đó. Tổng thống Widodo mong muốn sẽ không tạo cơ hội cho các cuộc biểu tình như vậy trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2019.
Việc ông Trump ưu tiên quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á vốn chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên, với tư cách là người lãnh đạo thực tế của ASEAN và "hàng xóm" của Singapore – quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2018- Indonesia cần tập trung vào những gì mong muốn trong năm 2018. Ông Tillerson hoặc người thay thế của ông ta sẽ là nhân vật duy nhất có thể sẽ sớm thăm Indonesia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục