Việt Nam đi tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

18:07' - 21/04/2016
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, Việt Nam đang đi tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Ngày 21/4, tại Hà Nội, Trường Đại học khoa học tự nhiên phối hợp với Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Illinois Hoa Kỳ và Viện Bảo tàng tổng hợp quốc tế tổ chức Hội thảo "Biến đổi khí hậu: Tác động và ứng phó".

Mục đích của hội thảo tập trung thảo luận về các giải pháp bền vững nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, có thể ứng dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thông qua việc đánh giá tổn thương của biến đổi khí hậu, nghiên cứu tác động của con người và những tổn hại lên con người của biến đổi khí hậu; qua đó đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Theo ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng như giảm thiểu thiệt hại cho chính mình, Việt Nam hiện đang đi tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đang thực hiện nhiều sáng kiến, chính sách và hoạt động thiết thực với sự hỗ trợ và hợp tác của nhiều quốc gia. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. 

Đối với giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của mình. 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Trong tương lai gần, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu ở Việt Nam. Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, cường độ và tần suất bão và nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các tác động về kinh tế, xã hội và môi trường. Các tác động này có thể là tác động trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực. Do đó, việc nhận định, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến con người và hệ sinh thái là việc làm cần thiết để từ đó, chúng ta có thể tận dụng những cơ hội và chuyển hóa những thách thức từ biến đổi khí hậu để phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Ông Phillip Kalantzis-Cope, Đại học Illinois Hoa Kỳ cho biết: Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải tập trung vào một số giải pháp như, xác định rõ những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với biến đổi khí hậu khi thực hiện Thoả thuận Paris; nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng tới hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản. Để làm được những vấn đề nêu trên thì vai trò của Chính phủ nói chung và chính quyền các cấp nói riêng là hết sức quan trọng. 

"Ở Việt Nam, tác động của hiệu ứng nhà kính là rất lớn, Liên minh Châu Âu sẽ hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề đối mặt và giảm thiểu những tác động do hiệu ứng nhà kính cũng như do biến đổi khí hậu gây ra", ông Bruno Angelet, Trường phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ, thảo luận, đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục