Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dựa vào dân để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

15:16' - 19/04/2016
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không chỉ được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt, biến đổi khí hậu cũng là vấn đề lớn được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài.
Phiên họp của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu lần thứ VII. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã chủ trì Phiên họp thứ 7 của Ủy ban này. 

Buổi làm việc còn có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên nhiều lĩnh vực có liên quan. 

Là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn, Phiên họp nhằm đánh giá toàn diện tình hình công tác của Ủy ban thời gian qua, đặc biệt là năm 2015 để xác định những nhiệm vụ trước mắt cũng như dài hạn. 

Phiên họp cũng đã phân tích cụ thể những hạn chế, thiếu sót trong công tác của Ủy ban và chuẩn bị thực thi các thỏa thuận, cam kết mà Việt Nam đã tham gia và thống nhất các giải pháp trước mắt, lâu dài để nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước. 

* Nhận thức chưa đúng tầm nhiệm vụ 

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày tại phiên họp, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đang đứng trước những thách thức lớn, cần có những giải pháp ở tầm vĩ mô với tinh thần quyết liệt hơn. Trên thực tế, biến đổi khí hậu đã diễn ra nhanh hơn so với dự báo, các hiện tượng thiên tai cực đoan có xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường. 

Báo cáo của Ủy ban đánh giá: Nhận thức về biến đổi khí hậu ở các cấp, ngành, địa phương tuy có nâng lên nhưng vẫn chưa tương xứng với diễn biến, mức độ tác động của biến đổi khí hậu trong bối cảnh lĩnh vực này cần lượng vốn đầu tư lớn nhưng nguồn kinh phí bố trí còn hạn chế. Việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch còn nhiều hạn chế. Việc đề xuất, triển khai dự án ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm, quy mô nhỏ lẻ, chưa gắn với yếu tố liên vùng nên hiệu quả chỉ phát huy cục bộ. 

Cơ chế, chính sách hiện chưa đáp ứng được yêu cầu khuyến khích việc thu hút đầu tư, cung cấp tài chính của doanh nghiệp, tổ chức xã hội đối với lĩnh vực này. Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn chưa được phát triển và sử dụng đúng mức, mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP còn cao hơn so với các nước trong khu vực. 

* Tăng cường năng lực dự báo 

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cần thay đổi cách nghĩ trong đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu: “Không thể chỉ có vai trò của Nhà nước mà phải nghĩ đến nhân dân, xã hội vì chính nguồn vốn này mới có thể thực hiện được những giải pháp lâu dài và quy mô”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ. 

Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
Dẫn chứng tình trạng khô hạn nghiêm trọng tại các sông suối, ao hồ ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo biến đổi khí hậu và thiên tai; ưu tiên dành vốn nâng cấp hệ thống thủy lợi của đồng bằng Sông Cửu Long để chủ động đối phó với xâm nhập mặn tại khu vực này. Bộ trưởng cũng kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế để bổ sung nguồn lực ứng phó với thảm họa thiên tai. 

Liên quan đến lĩnh vực hợp tác quốc tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, trong bối cảnh hạn chế về nguồn tài trợ quốc tế do sự suy giảm kinh tế toàn cầu, cần ưu tiên xác định nhu cầu cần tài trợ, vận động trước mắt và lâu dài cho nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tán thành với quan điểm cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để có các giải pháp bài bản ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa trên yếu tố liên kết vùng. Do đó, cần xem xem xét, rà soát lại quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực để tránh dàn trải trong đầu tư hoặc tình trạng lợi ích cục bộ địa phương. “Nếu không đầu tư ngay từ ngày hôm nay thì những năm sau sẽ mất rất nhiều tiền để đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. 

Một số ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào ứng phó với biến đổi khí hậu; học tập các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này như Hà Lan với những chương trình, dự án hàng ngàn năm, qua nhiều thế hệ. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất cần xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu; biên soạn cẩm nang về ứng phó với biến đổi khí hậu để phổ biến đến từng người dân; không quên nhiệm vụ mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo. 

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị coi trọng hơn nữa việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với từng ngành, địa phương. Trong tuyên truyền, cần lan tỏa hơn nữa tinh thần chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và phải đặt nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam với tiến trình ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không chỉ được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt, biến đổi khí hậu cũng là vấn đề lớn được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. 

Nhấn mạnh đến tác hại lớn trong thời gian vừa qua, Thủ tướng chỉ rõ, biến đổi khí hậu xảy ra nhanh ngoài dự kiến, mà cụ thể nhất là tình trạng xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long; rét đậm, rét hại, mưa đá và các hiện tượng cực đoan khí hậu khác đang liên tục xảy ra ở nước ta, làm sụt giảm GDP và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. 

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các thành viên Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo, hoàn thiện chương trình hành động sao cho mang “hơi thở cuộc sống” bởi Việt Nam là một trong những nước đầu tiên chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, Ủy ban cần xây dựng những biện pháp với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước. 

Đánh giá thời gian qua, công tác chuẩn bị ứng phó, dự báo biến đổi khí hậu chưa thực sự đi vào cuộc sống, Thủ tướng cũng cho rằng, nhận thức một cách sâu sắc của các cấp, các ngành và người dân chưa đúng mức đối với vấn đề này. Tình trạng công nghệ lạc hậu vẫn xâm nhập vào các dây chuyền sản xuất; kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa đạt yêu cầu đề ra; việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, chất lượng vẫn tái diễn…. 

“Đây là một thách thức lớn đối với tiến trình phát triển của đất nước; yêu cầu các cấp, các ngành cần nhận thức rõ hệ quả của biến đổi khí hậu và xác định những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện”, Thủ tướng chỉ đạo. 

Nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền về biến đổi khí hậu có vai trò hàng đầu, Thủ tướng đề nghị phải chú trọng đến những giải pháp tổng thể, có tính liên ngành, liên vùng và lâu dài nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên cơ sở khoa học phù hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu lần thứ VII. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiện toàn bộ máy làm công tác ứng phó với biến đổi khí hậu từ Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đến các địa phương. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm khuyến khích huy động, đa dạng hóa nguồn lực; nghiên cứu chuyển đổi, tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là các dự án tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn diễn ra lâu dài. 

“Ứng phó với biến đổi khí hậu đầu tiên phải đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, không thể nói thiếu tiền để dân thiếu nước. Muốn ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả, biện pháp hàng đầu vẫn phải dựa vào nhân dân. Đây là vấn đề có ý nghĩa thiết thực, cần được quán triệt đến mọi cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Việt Nam giai đoạn tới; nghiên cứu đánh giá cụ thể tác động của biến đổi khí hậu đối với một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhất là nông nghiệp và nông thôn; tiếp tục rà soát, cập nhật lồng ghép biến đổi khí hậu trong chiến lược quy hoạch ở một số vùng trọng điểm; nâng cao chất lượng công tác dự báo, đi đôi với chủ động hợp tác quốc tế, tìm kiếm nguồn lực cho công tác này. 

Chỉ đạo giải quyết những vấn đề biến đổi khí hậu cấp bách đang diễn ra ở một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên các giải pháp thủy lợi ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên để có biện pháp trữ nước ngọt, phục vụ đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. 

"Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong triển khai nhiệm vụ để đồng tiền bát gạo đến tận công trình, từng người dân, dựa vào nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu", Thủ tướng chỉ đạo./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục