Việt Nam nỗ lực khắc phục sự cố "thẻ vàng" về IUU - Bài 2: Vá “lỗ hổng" từ đâu?

11:48' - 25/11/2017
BNEWS Việc tuyên truyền cho ngư dân, các đầu nậu vựa nhận thức về IUU, những hành động nào được coi là vi phạm quy định IUU… cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: minh họa Kim Há - TTXVN

Để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hải sản sang EU bắt buộc phải khai báo đầy đủ thông tin về số hiệu tàu cá, nhật ký khai thác… Tuy nhiên, điều này cũng đang “lộ” ra nhiều bất cập trong quản lý khai thác hải sản, cần phải tập trung khắc phục ngay nhằm đáp ứng các quy định về IUU của EU.
Từ những vướng mắc ở các “mắt xích” đơn lẻ ...
Đại diện một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản ở khu vực Nam Trung bộ cho biết mặc dù, chỉ xuất khẩu sản phẩm chủ yếu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên từ trước đến nay khi thu mua nguyên liệu, công ty này luôn yêu cầu nhà ghe phải cung cấp đầy đủ thông tin về ghe, nhật trình khai thác. Yêu cầu này mang tính bắt buộc và công ty chỉ thu mua đối với nhà ghe đảm bảo khai báo đầy đủ, chính xác các thông tin trên.
Tuy vậy, vẫn có nhiều trường hợp nhà ghe cung cấp thông tin không rõ ràng, đến khi doanh nghiệp đi xin giấy chứng nhận của lực lượng chức năng thì mới biết bị trùng ghe, nghĩa là ghe này đã được một doanh nghiệp khác khai báo trước đó.
Theo bà Phan Thị Minh Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thạnh, cái khó hiện nay là nhiều doanh nghiệp thường thu mua nguyên liệu qua các thương lái, đầu nậu (vựa) chứ ít khi mua trực tiếp của các ghe tàu. Nhiều thông tin đôi khi phải đối chiếu lại với lực lượng chức năng mới chính xác, kèm theo phải mất nhiều thời gian xác minh. Do vậy, việc tuyên truyền cho ngư dân, các đầu nậu vựa nhận thức về IUU, những hành động nào được coi là vi phạm quy định IUU… cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Với 100% nguồn nguyên liệu hải sản được thu mua trong nước, bà Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thuận Sài Gòn cho rằng, việc kiểm soát nguồn gốc lô hàng không thể một mình doanh nghiệp quản lý được mà phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp chỉ có thể khai đầy đủ các thông tin là mua hàng ở tàu nào, số lượng bao nhiêu… Còn các vấn đề về đánh bắt hợp pháp, lộ trình đánh bắt của tàu cá… thì phải có cơ quan chức năng, Chính phủ quản lý.
Nhiều doanh nghiệp và ngư dân cũng cho biết, trong thời gian qua thực tế có không ít trường hợp ngư dân đang khai thác ở ngay vùng biển Việt Nam nhưng bị tàu nước ngoài tới xua đuổi sang vùng biển khác, khiến họ bất đắc dĩ phải vi phạm. Những điều này bắt buộc phải có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng nhà nước trong việc giúp ngư dân ổn định ngư trường khai thác.
… đến việc thiếu dữ liệu quản lý mang tính quốc gia

Những vướng mắc thực tế được các doanh nghiệp, ngư dân phản ánh như trên cũng trùng với kết quả khảo sát mới đây của VASEP tại các Chi cục thủy sản, Ban quản lý cảng cá và ngư dân ở một số tỉnh trọng điểm về khai thác hải sản như Đà Nẵng, Nha Trang và Bình Thuận.
Trực tiếp tham gia các buổi làm việc này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, mặc dù cơ quan quản lý tại các địa phương luôn cố gắng thực hiện tốt việc quản lý khai thác và tàu cá. Tuy nhiên, với thực trạng nghề cá của Việt Nam là nhỏ nên việc quản lý tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử như vấn đề nhật ký khai thác, đây là điều kiện cần có để chi cục thủy sản có thể cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản theo quy định, cũng như là bản cần thiết cho doanh nghiệp phục vụ khi EU kiểm tra lô hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn các tàu cá đều không nộp nhật ký khai thác hoặc nộp đối phó theo quý với nhiều lý do khác nhau.
Khó khăn hơn nữa, đó là hiện Việt Nam vẫn chưa có phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý tàu cá chung của quốc gia để dùng và quản lý chung tại tất cả các tỉnh thành. Do vậy, các địa phương khó liên hệ để xác minh tàu cá của tỉnh khác nộp nhật ký khai thác, làm mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến thời gian trả kết quả hồ sơ cấp giấy xác nhận, giấy chứng nhận thủy sản khai thác theo quy định.
Đồng thời, Tổng cục thủy sản chưa đăng tải danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp trên trang thông tin điện tử nên gây khó khăn cho các chi cục thủy sản trong việc kiểm tra hồ sơ xác nhận chứng nhận, đặc biệt là với các tàu cá ngoại tỉnh.
Trước những yêu cầu mới của các thị trường liên quan đến vấn đề IUU, các địa phương đề xuất cần xây dựng ngay một trang web chung quốc gia; trong đó có đủ thông tin, dữ liệu của tàu cá toàn quốc (số tàu, công suất tàu, nghề khai thác, số giấy phép, ngày hết hạn giấy phép…) để tiện trong việc truy xuất thông tin. Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát hành trình tàu cá cũng như đưa ra các quy định về trang bị máy móc thiết bị định vị, hành trình trên tàu…
Để khắc phục những lỗ hổng trong vấn đề khai thác, đánh bắt hải sản, các chuyên gia cho rằng, điều này cần phải có sự tham gia của nhà nước cùng với ngư dân, các Hội, Hiệp hội ngành nghề liên quan. Nghĩa là, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Và trên thực tế, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục