Vốn đăng ký FDI trong 5 tháng tăng 136%

19:15' - 28/05/2016
BNEWS Từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2016, cả nước thu hút 907 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 7,56 tỷ USD, tăng 53,2% về số dự án và tăng gần 156% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Vốn đăng ký FDI trong 5 tháng tăng 136%. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết, từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2016, cả nước thu hút 907 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 7,56 tỷ USD, tăng 53,2% về số dự án và tăng gần 156% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; đồng thời, có 425 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt hơn 2,59 tỷ USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt hơn 10,15 tỷ USD, tăng 136% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 5 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt hơn 6,6 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký; ngành thông tin và truyền thông đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 12,8%; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 543 triệu USD, chiếm 5,4%; các ngành còn lại đạt 1,69 tỷ USD, chiếm 16,7%.

Theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất trong số 45 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với hơn 1,86 tỷ USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng hơn 1,6 tỷ USD, chiếm 21,3%; Bình Dương hơn 570 triệu USD, chiếm 7,5%; thành phố Hồ Chí Minh 488 triệu USD, chiếm 6,5%; Bắc Ninh 330 triệu USD, chiếm 4,4%; Đồng Nai 289 triệu USD, chiếm 3,8%...

Trong số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2,9 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Luxembourg hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 16,5%; Singapore hơn 686 triệu USD, chiếm 9,1%; Đài Loan (Trung Quốc) hơn 465 triệu USD, chiếm 6,1%; Nhật Bản hơn 338 triệu USD, chiếm 4,5%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 306 triệu USD, chiếm 4%; Malaysia hơn 249 triệu USD, chiếm 3,3%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI khá khả quan, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 48,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu (không kể dầu thô) đạt hơn 47,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2015./.

Xem thêm:

>> 5 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục