Vụ nứt, lún đất tại Đà Lạt: Xác định nguyên nhân ban đầu gây ra nứt lún đất bất thường

21:46' - 27/04/2017
BNEWS Kết luận tại buổi làm việc Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Đây là hiện tượng “bất thường” vì từ trước đến nay chưa từng xảy ra tại khu vực này.
 Các hộ dân di dời ra khỏi khu vực sụt lún. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Liên qua đến sự cố nứt, lún đất bất thường xảy ra tại phường 2, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), chiều tối 27/4, sau khi khảo sát thực tế tại khu vực xảy ra sụt lún, UNBD tỉnh Lâm Đồng đã họp khẩn với Đoàn chuyên gia địa chất của Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Vật lý địa cầu.
Kết luận tại buổi làm việc Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Đây là hiện tượng “bất thường” vì từ trước đến nay chưa từng xảy ra tại khu vực này. Ban đầu có thể xác định được hai nguyên nhân.

Thứ nhất, theo lịch sử tính từ đồi Dinh Tỉnh trưởng đến khu vực đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Văn Trỗi (khoảng 2km) có một dòng chảy tự nhiên. Sau đó, trong quá trình phát triển dân cư người dân đã tiến hành san ủi nên tạo thành khu kết cấu đất yếu.

Khi mưa lớn đã tạo thành dòng chảy tự nhiên ngầm. Thứ hai, tại khu vực này, khoảng 60 năm về trước, nơi đây có một bãi rác tự nhiên lâu ngày tích nước, khi gặp nước mưa lớn đã tạo dòng chảy tự nhiên (mạch nước ngầm) kết hợp với mưa lớn tạo nên lún đất và vùng đất trũng.
Tuy nhiên, cả hai nguyên nhân trên cần phải được xác minh bằng các phương pháp khoa học như khoan thăm dò địa chất; kiểm tra các công trình xây dựng xung quanh…
Tại buổi làm việc, ông Phạm S cũng đề nghị Công ty cấp nước Lâm Đồng liên tục quan trắc để phát hiện kịp thời nếu có rò rỉ nước. Riêng đối với Công ty cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) hỗ trợ thiêt bị cho tỉnh để thực hiện việc cảnh báo.

Tiếp tục trám vết nứt, tránh nguồn nước mưa tự nhiên ngấm xuống phía dưới. Bên cạnh đó, duy trì lực lượng thường xuyên theo dõi độ nứt các ngôi nhà. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chuyên gia của Viện địa chất xem xét thiêt bị thăm dò, quan trắc. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ sắp tới đề nghị thành phố Đà Lạt bố trí lực lượng cứu hộ, công an trực 24/24.
Đến chiều tối 27/4, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra tại khu vực trên. Tại các ngôi nhà của đường Trương Công Định xuất hiện đất bùn màu vàng đùn lên từ các khe hở của nền nhà. Trong khi đó, hộ ông Trần Văn Dũng, số nhà 27C, đường Nguyễn Văn Trỗi đã bị thất thoát khoảng 300m3 nước chỉ trong thời gian ngắn. Hiện ngôi nhà này đã bị ngừng cấp nước sinh hoạt do thất thoát nước bất thường. Đây cũng là điều các nhà khoa học phải theo dõi trong những ngày tới.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng loại trừ các yếu tố dẫn đến nứt đất như: Khu vực xảy ra sự cố có công trình xây dựng; đoạn đường nứt đất không có xe trọng tải lớn đi qua; không có hoạt động đào đất xây dựng…
Hiện chính quyền các cấp đã vận động 45 hộ dân với trên 200 nhân khẩu di dời đến nơi ở an toàn, đồng thời yêu cầu các khách sạn trong khu vực nguy hiểm ngưng đón khách dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Thành phố Đà Lạt cũng đã đặt bảng cấm tất cả ô tô lưu thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi.
Như tin đã đưa, sáng 26/4, các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trỗi bất ngờ phát hiện nhiều vết nứt nham nhở trong nhà và trên đường. Một số cánh cửa không đóng hoặc mở được vì bị xô lệch do bị ảnh hưởng bởi tình trạng nứt đất, một số nhà có hiện tượng nghiêng về phía sau. Khu vực bị ảnh hưởng do tình trạng nứt đất kéo dài gần 49m, còn vết nứt trên mặt đất gần như song song với mặt đường Nguyễn Văn Trỗi dài khoảng 30m.
Các nhà khoa học của trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Vật lý địa cầu tiếp tục khảo sát để đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng lún đất, nứt nhà bất thường để có biện pháp khắc phục kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục